Phát hiện để điều trị sớm ung thư tiêu hóa

Trịnh Mai-Thứ sáu, ngày 03/11/2023 09:07 GMT+7

Các chuyên gia tư vấn trong chương trình.

VTV.vn - Ung thư tiêu hóa nếu phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi cao, tiết kiệm nhiều chi phí cho người bệnh.

Thông tin trên vừa được chia sẻ trong chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến "Phát hiện để điều trị sớm ung thư tiêu hóa" do Đài truyền hình Việt Nam và Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp tổ chức. Chương trình có sự tham gia tư vấn của các bậc thầy trong lĩnh vực điều trị ung thư đường tiêu hóa đến từ BVĐK Tâm Anh Hà Nội: TTƯT.PGS.TS Triệu Triều Dương, Giám đốc Khối ngoại; TTƯT.TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa; TS.BS Trần Hải Bình, Phó khoa Ung bướu.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Trong đó, các bệnh ung thư như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư gan ngày một gia tăng. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn uống không điều độ, lạm dụng rượu bia và thuốc lá, ít vận động, môi trường sống ô nhiễm... khiến tỷ lệ mắc mới ngày càng trẻ hóa.

Theo thống kê của Tổ chức Ung bướu Thế giới GLOBOCAN năm 2020, thế giới có hơn 2 tỷ ca mắc mới ung thư đại trực tràng, 1,1 tỷ ca mắc mới ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, trong tổng số 182.562 ca mắc ung thư mới thì ung thư dạ dày có tới 17.906 ca mới, chiếm khoảng 9.8%; ung thư đại trực tràng có 16.426 ca mới chiếm khoảng 9%; ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư, chiếm tỷ lệ 14.5% với số ca mắc mới và tử vong lần lượt là 26.420 người và hơn 25.270 người.

TTƯT.PGS.TS Triệu Triều Dương cho biết, hệ tiêu hóa có 2 phần, thứ nhất là ống tiêu hóa, thường gặp là ung thư dạ dày và ung thư đại tràng. Tuyến tiêu hóa lớn nhất hay bị ung thư là gan. Việc phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm giúp điều trị triệt căn, bảo tồn các cơ quan, tạng bị ung thư. Tuy vậy, bệnh không bộc lộ triệu chứng điển hình ở giai đoạn sớm. Phần lớn người bệnh phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, việc điều trị gây khó khăn, giảm hiệu quả, người bệnh không những không còn cơ hội điều trị triệt căn mà còn để lại gánh nặng lớn về kinh tế.

Hiện nay, nội soi là phương pháp được ứng dụng rộng rãi giúp chẩn đoán chính xác tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư đường tiêu hóa từ giai đoạn sớm. Phương pháp nội soi tiêu hóa ống mềm với đầu soi gắn camera luồn từ miệng hoặc hậu môn giúp bác sĩ phát hiện tổn thương như viêm, loét, polyp…, từ đó đưa ra chẩn đoán, điều trị.

Phát hiện để điều trị sớm ung thư tiêu hóa - Ảnh 1.

PGS Triệu Triều Dương cho biết, ung thư đường tiêu hóa có thể phát hiện từ giai đoạn rất sớm. Ảnh BVĐK Tâm Anh.

Kỹ thuật thực hiện nhanh, không phức tạp, nhất là nội soi gây mê. TTƯT.TS.BS Vũ Trường Khanh cho biết, bác sĩ có thể tiến hành đồng thời nội soi cả dạ dày và đại tràng cùng lúc với thời gian ngắn. Người bệnh chỉ sử dụng thuốc gây mê ở liều thấp. Thông thường sau khi dừng cuộc soi, người bệnh đã tỉnh và có thể ăn uống trở lại bình thường nên đảm bảo an toàn. Nếu không muốn nội soi gây mê hoặc trường hợp người bệnh không có chỉ định gây mê có thể lựa chọn nội soi đường mũi bằng ống mềm, giúp giảm khó chịu.

Công nghệ nội soi ống mềm với dải tần hẹp NBI, BLI tiên tiến của Nhật Bản với ánh sáng có bước sóng lớn, hình ảnh phóng đại hơn 100 lần, độ phân giải 4K giúp bác sĩ quan sát hình ảnh trực tiếp, chân thực bề mặt niêm mạc ống tiêu hóa, từ đó phát hiện những tổn thương phức tạp với kích thước nhỏ như polyp, khối u; các vùng mô bất thường như viêm loét, chảy máu... hoặc khối u khi còn khu trú dưới lớp niêm mạc. Khả năng nhuộm màu ảo hiện đại giúp bác sĩ phát hiện những thay đổi cấu trúc bề mặt niêm mạc ống tiêu hóa và đặc điểm hình thái của mạng lưới vi mạch máu, từ đó có thể đánh giá được mức độ của tổn thương và sự xâm lấn của chúng. Trong trường hợp khối u dưới niêm mạc không lộ rõ tổn thương, hoặc tổn thương tại các vị trí khó tiếp cận như tuyến tụy, bác sĩ sẽ sử dụng nội soi siêu âm để quan sát.

Thông qua nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu làm xét nghiệm mô bệnh học để chẩn đoán ung thư. Những khối u trong gan dù chỉ nhỏ khoảng dưới 1cm có thể được phát hiện, sàng lọc bằng kỹ thuật siêu âm đơn giản.

Phát hiện để điều trị sớm ung thư tiêu hóa - Ảnh 2.

Theo TS.BS Vũ Trường Khanh, ung thư tiêu hóa có thể được chẩn đoán, sàng lọc bằng các phương pháp đơn giản như nội soi, siêu âm… Ảnh BVĐK Tâm Anh.

Theo TS.BS Trần Hải Bình, ung thư đường tiêu hóa cần điều trị đa mô thức. Nếu ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể được can thiệp điều trị bằng nội soi cắt hớt hoặc cắt tách niêm mạc ít xâm lấn, giúp bảo tồn cấu trúc giải phẫu cơ quan tiêu hóa. Ung thư gan có nhiều phương pháp điều trị như đốt sóng cao tần, nút mạch khi tổn thương còn nhỏ.

Ở giai đoạn muộn hơn, khối ung thư lớn, xâm lấn qua lớp niêm mạc hoặc di căn, người bệnh cần phối hợp giữa phẫu thuật và điều trị bổ trợ. "Ngày nay có rất nhiều thuốc điều trị bổ trợ giúp mang lại hiệu quả điều trị triệt căn cho người bệnh như kháng thể đơn dòng, thuốc điều trị đích, thuốc miễn dịch có thể đạt hiệu quả điều trị cao, giảm nguy cơ tái phát cho người bệnh", bác sĩ Hải Bình thông tin.

Trường hợp phát hiện ung thư muộn mà chưa thể phẫu thuật ngay, người bệnh cần điều trị bổ trợ trước khi làm phẫu thuật để làm thu nhỏ khối u, giảm di căn tổn thương, giảm giai đoạn của khối u, tiến tới điều trị triệt căn.

Phát hiện để điều trị sớm ung thư tiêu hóa - Ảnh 3.

TS.BS Trần Hải Bình chia sẻ các phương pháp điều trị ung thư của hệ tiêu hóa. Ảnh BVĐK Tâm Anh.

Theo PGS Triệu Triều Dương, tùy vào tính chất và vị trí của tổn thương, tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp. Hiện nay, phẫu thuật nội soi được xem là phương pháp "tiêu chuẩn vàng" trong điều trị các bệnh ung thư tiêu hóa. Bệnh nhân không phải trải qua một cuộc mổ mở xâm lấn cao, giảm đau trong và sau mổ, hồi phục nhanh, giảm nguy cơ nhiễm trùng và suy giảm miễn dịch hậu phẫu, giảm chi phí. Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, phòng mổ Hybrid vô khuẩn tân tiến, tỷ lệ người bệnh điều trị ung thư tiêu hóa bằng phẫu thuật nội soi chiếm tỷ lệ khoảng 85%.

Giải đáp thắc mắc của khán giả, polyp đại tràng có tiến triển ung thư hay không, TS Khanh cho rằng, hầu hết polyp đại tràng kích thước nhỏ là lành tính. Tuy nhiên, chúng cũng có nguy cơ chuyển ác tính sau nhiều năm, phụ thuộc vào loại polyp. Người bệnh cần khám định kỳ để theo dõi bệnh. Thời điểm và tần suất làm xét nghiệm dựa trên số lượng, kích thước, kết quả phân tích và kết hợp các yếu tố nguy cơ khác.

Nếu nội soi đại tràng lần đầu không có polyp hoặc có polyp tuyến hoặc polyp răng cưa nhưng số lượng ít hơn ba, kích thước hơn 10mm thì lần nội soi tiếp theo là 5 năm sau cắt hoàn toàn polyp. Nếu nội soi lần đầu có từ ba polyp tuyến (polyp tuyến từ 10mm trở lên, polyp tuyến nhung mao hoặc ống nhung mao), polyp răng cưa... cần nội soi lại sau 3 năm. Sau nội soi lần đầu có nhiều hơn 5 polyp tuyến thì thời gian nội soi tiếp theo là một năm sau khi cắt. Nếu quá trình chuẩn bị nội soi lần đầu không sạch, người bệnh có thể thực hiện sớm hơn các mốc thời gian trên. Người bình thường từ 45 đến 50 tuổi nên nội soi đại tràng để phòng nguy cơ polyp.

Theo các chuyên gia, nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh ung thư ngày càng nâng cao. Người dân quan tâm khám sức khỏe hơn, trong đó có sàng lọc ung thư. Trước đây, ung thư tiêu hóa thường được phát hiện ở độ tuổi trên 60 thì hiện nay, người từ 40-45 tuổi được khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát sớm ung thư thực quản, dạ dày, gan, đại trực tràng nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, người dân cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện thể dục thể thao. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về tiêu hóa như đau vùng bụng dưới; nôn ói; đại tiện phân lẫn máu hoặc đàm nhớt; phân có mùi tanh bất thường; thói quen đại tiện thay đổi; bụng to dần; cơ thể mệt mỏi, sụt cân không rõ lý do... người bệnh nên khám ngay để được chẩn đoán và kịp thời điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước