Trong khi các tỉnh thành miền Bắc đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lũ ở miền núi thì tại miền Trung, dù chưa phải là cao điểm mùa mưa nhưng tình trạng sạt lở đất, lũ quét đã diễn ra rất nguy hiểm.
Tại Quảng Nam, tỉnh này phải di dời khẩn cấp nhiều ngôi làng trước nguy cơ sạt trượt đất, đã xây dựng phương án để người dân thích ứng với thiên tai, giảm nhẹ tổn thất. Chính vì vậy, những năm gần đây, dù tần suất thiên tai gia tăng nhưng thiệt hại về người và tài sản có phần giảm dần xuống.
Cứ đến mùa mưa lũ, hàng trăm ngôi làng ở Bắc Trà My bị ngập chìm trong nước, thậm chí nhiều ngôi nhà bị phá hủy nhưng không thiệt hại về người. Trong đợt lũ năm ngoái, nước ngập đến nửa nhà chị Lài. Khi có mưa lớn, chính quyền xã Trà Giác phát thông báo, hầu hết người dân trong làng đều đến nhà tránh lũ cộng đồng này. Sơ tán để phòng tránh thiên tai trở thành thói quen của người dân miền núi Quảng Nam.
Hiệu quả từ mô hình nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp là điểm tránh trú thiên tai, các huyện miền núi cao như Bắc Trà My tiếp tục xây dựng mỗi làng một công trình này. Ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng vừa xây dựng xong, năm nay, hơn 70 hộ dân thôn 1 xã Trà Giáp không lo chạy tránh thiên tai như mọi năm. Toàn bộ mái và sàn nhà đều được đổ bê tông kiên cố. Những công trình lưỡng dụng là nơi tránh trú an toàn cả trăm người nếu có bão lũ bất thường.
Nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp là điểm tránh trú thiên tai.
Quảng Nam có 9 huyện miền núi - nơi hứng chịu nhiều tổn thất do thiên tai. Ngoài các giải pháp công trình, xây dựng kịch bản ứng phó bão lũ, tỉnh Quảng Nam ưu tiên nhiều nguồn lực để thích ứng và chống chịu với thiên tai.
Theo đó, công tác phòng chống, cảnh báo sớm được xem là giải pháp hữu hiệu. Sau đợt thiên tai thảm khốc năm 2020 gây thiệt mạng 47 người, thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng, nhờ áp dụng tổng hòa các biện pháp nên qua từng năm, thiệt hại do thiên tai ở miền núi dần được giảm thiểu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!