Ngoài những nguyên nhân khách quan, những yếu tố chủ quan như việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương về giao thông, du lịch còn mang tính hình thức, chưa tập trung phát triển.
Đó là những vấn đề được các nhà khoa học đặt ra trong buổi toạ đàm "Cơ chế, chính sách, thúc đẩy liên kết vùng Tây Bắc giai đoạn 2016 - 2020" do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức vào sáng 24/10 tại Hà Nội.
Đầu tư hạ tầng giao thông là một yếu tố quan trọng giúp đẩy mạnh du lịch vùng Tây Bắc.
Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định việc phát triển mạng lưới giao thông vận tải vùng Tây Bắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được nhắc đến như một ví dụ điển hình trong việc phát huy hiệu quả của các dự án giao thông. Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế chính sách thu hút nguồn lực, ưu tiên hàng đầu cho xây dựng hạ tầng giao thông vận tải.
Có một thông tin được đưa ra trong buổi tọa đàm là theo khảo sát vào năm 2014, nếu 300 du khách quốc tế đến Sa Pa thì chỉ có 29 vị khách đi tiếp sang Hà Giang và 10 khách sang Lai Châu - Điện Biên, còn lại là trở về Hà Nội. Điều này cho thấy sự liên kết du lịch giữa các địa phương còn lỏng lẻo và thiếu hấp dẫn.
Nhiều ý kiến đề nghị, các tỉnh Tây Bắc cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, ban hành chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, đặc biệt, cần khắc phục tình trạng phối hợp mang tính hình thức giữa các địa phương trong phát triển du lịch.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!