Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp thích ứng quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu
Năng lượng là lĩnh vực phát thải khí nhà kính nhiều nhất ở Việt Nam
Năm 2021, không chỉ thảm họa từ đại dịch COVID-19, nhân loại cũng đang hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục hay những trận lũ lụt chưa từng thấy. Điều này chứng tỏ tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề hơn bao giờ hết tới Trái đất và cuộc sống con người.
Báo cáo hàng năm về khí thải gây hiệu ứng nhà kính do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố mới đây cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - tác nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu, vẫn tăng trong năm 2020 bất chấp các biện pháp hạn chế liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Báo cáo của WMO đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những mối đe dọa và nguy cơ mà biến đổi khí hậu gây ra cho con người.
Lũ lụt nghiêm trọng tấn công Tây Âu, tàn phá Đức, Bỉ và Hà Lan khiến hàng trăm người chết trong năm 2021 (Ảnh: AP)
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, lượng khí thải carbon dự kiến sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2023. Vào tháng 6, IEA đã công bố báo cáo đầu tư, trong đó phát hiện ra rằng, đầu tư cho năng lượng sạch hàng năm phải tăng trên 7 lần, từ dưới 150 tỷ USD vào năm 2020 lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030, qua đó thế giới mới đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.
Ở Việt Nam, năng lượng là lĩnh vực phát thải carbon nhiều nhất, chiếm đến 60% tổng lượng phát thải. Dự báo đến năm 2030 tỷ lệ phát thải của năng lượng còn tăng đến 73%.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm: "Do phát triển kinh tế, tổng lượng phát thải của Việt Nam ngày càng tăng. Nếu so với năm 2014 thì năm 2020, lượng phát thải nhà kính đã tăng lên gấp đôi, 2025 gấp hai lần rưỡi và 2030 gấp trên ba lần. Trong đó phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực năng lượng cũng liên tục tăng. Tỷ lệ phát thải năng lượng trong năng lượng tăng từ 60% năm 2014 thì tăng dần lên đến 73% vào 2030. Như vậy giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng đóng góp rất lớn cho tổng giảm phát thải của quốc gia".
Hiện tượng mù quang hóa xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào giữa tháng 9/2019 (Ảnh: thanhuytphcm.vn)
Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường quốc gia, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ (những khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn khí cacbonic có thể được chuyển đổi thành lượng CO2 tương đương).
Đáng chú ý, mức đóng góp 9% này có thể sẽ được tăng lên thành 27% so với Kịch bản phát triển thông thường quốc gia (tương đương 250,8 triệu tấn CO2tđ) khi nhận được hỗ trợ quốc tế và các cơ chế trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã xác định năng lượng là lĩnh vực cần được cắt giảm phát thải khí nhà kính sâu nhất. Nhiều giải pháp đã được đưa ra một trong số đó là phát triển các nguồn năng lượng sạch.
Trong số 9 giải pháp tổng thể để giảm phát thải khí nhà kính có 3 giải pháp liên quan đến vấn đề năng lượng:
- Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.
- Thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong ngành năng lượng.
- Khai thác có hiệu quả tăng tỉ trọng sử dụng năng lượng tái tạo thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch như than và khí.
Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo chính là một trong những giải pháp thích ứng quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng sạch
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị không chỉ định hướng phát triển cho lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, mà còn nắm bắt được xu thế phát triển, bảo đảm nhu cầu năng lượng của khu vực.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương nói: "Năng lượng tái tạo đóng góp khoảng tầm 33% trong chỉ tiêu về giảm phát thải khí nhà kính ở trong lĩnh vực năng lượng. Ngoài ra còn có đóng góp của cái việc phát triển năng lượng khí tự nhiên và tác động của các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Tiềm năng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam là rất lớn. Ngoài ra đối với những dạng năng lượng khác như sản xuất điện từ rác thải rồi sinh phẩm thì chúng ta cũng có tiềm năng rất lớn. Chúng tôi tin tưởng là những trạm năng lượng tái tạo này sẽ được phát triển mạnh trong thời gian tới".
Tăng trưởng xanh, chuyển dịch năng lượng sạch là xu hướng tất yếu, cần ưu tiên chuyển dịch công bằng và bền vững. Điện mặt trời và điện gió là hai khu vực có tiềm năng lớn, thu hút nhiều vốn đầu tư.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái 1 nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Về tiềm năng, từ Thừa Thiên Huế trở ra miền Bắc mỗi năm có 1800 đến 2100 giờ nắng. Từ Đà Nẵng đến Cà Mau con số này còn lớn hơn nhiều 2000 đến 2600 giờ - điều kiện lý tưởng để phát triển năng lượng mặt trời.
Đánh giá về sự phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, bà Vũ Chi Mai, Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức chỉ ra 2 mốc quan trọng của Việt Nam trên bản đồ thế giới: "Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới về tổng mức đầu tư vào điện mặt trời và đứng thứ 5 trên thế giới về tổng công suất lắp đặt, chiếm vị trí thứ 5 của Đức - nước đang hỗ trợ Việt Nam rất tích cực trong phát triển điện mặt trời. Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự phát triển này. Chúng ta nhìn thấy có rất nhiều tiềm năng. Việt Nam là nước đi sau hoàn toàn có thể hưởng lợi từ câu chuyện về phát triển công nghệ và vì vậy có đầy đủ những yếu tố để phát triển tốt".
Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được đánh giá là "cú hích" cho điện mặt trời phát triển mạnh.
Theo EVN, năm 2020 đã chứng kiến sự bứt phá của điện mặt trời mái nhà của Việt Nam. Tính đến hết ngày 31/12/2020, hơn 100.000 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp.
Đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 19.400 MWp (tương đương 16.500 MW), chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia.
Việt Nam là một trong những nước nằm trong dải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới. (Đồ họa: TTXVN)
Theo Bộ Công Thương, để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5-7% từ nay tới năm 2030, Việt Nam cần có một nguồn điện năng vô cùng lớn. Trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW. Trong khi đó, các nguồn điện năng chủ yếu như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đều đã khai thác hết hoặc có những giới hạn phát triển.
Vì vậy, Bộ Công Thương cũng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, như: chỉ đạo các doanh nghiệp năng lượng hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, nhằm khai thác "năng lượng xanh" để tạo ra nguồn điện, nhiên liệu sạch hơn gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; đặc biệt là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió.
Năng lượng sạch không bao giờ cạn kiệt, có khả năng tái tạo, mang đến nhiều lợi ích như là đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường, góp phần giảm khí thải carbon - một trong những loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm cho Trái đất nóng lên. Đây sẽ là nguồn thay thế khi mà tài nguyên khoáng sản theo ước tính sẽ cạn kiệt trong khoảng 100 năm nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!