Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khẩn trương sơ tán người dân ở khu vực ven biển, thấp trũng

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ ba, ngày 27/10/2020 18:02 GMT+7

VTV.vn - Cuộc họp diễn ra chiều 27/10, tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng đề nghị các địa phương trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 9 cần khẩn trương sơ tán người dân tại các khu vực ven biển, thấp trũng, nhà yếu, khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng hướng dẫn, chỉ đạo người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, biển hiệu, biển quảng cáo, các công trình công cộng, nhất là các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây trồng lâu năm, cây công nghiệp. Trong đó, người dân cần chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

Theo Phó Thủ tướng, các đơn vị chức năng cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông khi có bão và mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân; cử người theo dõi, canh gác tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, ngầm tràn, nước chảy xiết, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khẩn trương sơ tán người dân ở khu vực ven biển, thấp trũng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cơn bão số 9 đặc biệt nguy hiểm, do đó tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu. Ảnh: VGP.

Địa phương bị ảnh hưởng của bão phải nhanh chóng chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập, đê điều, khẩn trương hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, mục tiêu của chúng ta là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, với phương châm "4 tại chỗ", có sự hỗ trợ của các lực lượng, cơ quan Trung ương ở tất cả lĩnh vực.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, hồi 13h ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 470 km; gió cấp 13, 14, giật cấp 17, di chuyển 20-25 km/h theo hướng Tây Tây Bắc. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.

Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm, thời gian hoàn thành vào 17h - 19h ngày 27/10. Tại một số khu du lịch tập trung đông khách như Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), chính quyền địa phương đã thông tin cho khách du lịch biết về bão để chủ động phòng tránh.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, Cơ quan khí tượng nhận định bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trên biển trong khoảng 10 - 20 năm gần đây. Dự kiến khi vào bờ, bão có sức mạnh tương đương với cơn bão Xangsane năm 2006 và mạnh hơn nhiều so với cơn bão Damrey ở Nha Trang năm 2017.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai thông tin: Kế hoạch sơ tán dân của các địa phương được thực hiện rất quyết liệt. Về tàu thuyền, đến 11h ngày 27/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.000 tàu/229.290 lao động; trong đó đã thoát khỏi khu vực nguy hiểm 4.061 tàu/29.748 lao động, neo đậu tại các bến 40.806/198.424 lao động. Hiện còn trong vùng nguy hiểm gồm 142 tàu/1.118 lao động của Bình Định. Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh.

Đại diện Quân khu 5 cũng cho biết đã sẵn sàng để huy động 66.000 lượt người với 1.700 phương tiện gồm tàu to, xuồng máy, máy bay trực thăng, ô tô các loại… tham gia phòng, chống bão số 9. Nếu cần, có thể huy động thêm lực lượng của Quân khu 7, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và các lực lượng khác.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam khẳng định đã chuẩn bị các phương án ứng phó khẩn trương, nỗ lực tối đa để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, các khu vực miền núi trong đợt mưa trước đã khẩn trương gia cố, hiện tại khu vực này cơ bản tạm ổn. Hiện nay, mực nước tại các hồ thủy lợi đều dưới báo động 1. Các thủy điện được vận hành để đưa nước về mức thấp nhất đối với nhánh Vu Gia Đà Nẵng. Khu vực sông Thu Bồn từ hồ Thủy điện Sông Tranh vẫn đang tiếp tục vận hành để giảm mực nước. Các hồ có khả năng chứa được 200 triệu khối nước, kể cả hồ Phú Ninh thêm được 120 triệu khối nước, khả năng giảm lượng nước cho hạ du.

Đối với các tàu biển, địa phương đã kêu gọi các tàu ngoài khơi khẩn trương vào bờ tránh, trú bão, neo đậu, hiện không có tàu nào ở ngoài khơi. Các nhà dân ở khu vực ven biển đều đã được yêu cầu sơ tán trước 17h ngày 27/10, đến thời điểm hiện tại tỉnh Quảng Nam đã sơ tán 17.000 hộ gia đình. Các công trình xây dựng đã dừng thi công, người dân đang chằng chống rất tích cực.

Đối với Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, tính đến 10h ngày 27/10, Đà Nẵng có 1.240 tàu đang neo đậu tại vùng an toàn; số phương tiện đang hoạt động trên biển là 2 tàu/17 lao động (khu vực Nam Biển Đông - Cà Mau).

Đà Nẵng dự kiến số người sơ tán 12.067 hộ/52.180 khẩu. Các địa phương tại Đà Nẵng triển khai sơ tán dân, hoàn thành trước 15h ngày 27/10. Đối tượng sơ tán gồm người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiên cố, nhà tạm. Trong đó, Đà Nẵng sẽ thực hiện ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực; sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn và được Sở Xây dựng thẩm định.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 416 hộ (437 bè) nuôi cá lồng bè. Các địa phương đã chỉ đạo tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm người ở lại trên lồng bè khi thiên tai; có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản; hoàn thành trước 15h ngày 27/10. Về công trình thủy lợi, Đà Nẵng hiện có 20 hồ chứa thủy lợi, triển khai các lực lượng trực chiến tại hồ và chuẩn bị vật tư, phương tiện, bao cát để sẵn sàng ứng phó.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã giao Sở Giao thông Vận tải có phương án xử lý khối đá kích thước lớn trên Quốc lộ 14G; tiến hành cấm lưu thông qua Quốc lộ 14G đoạn từ Km18+400 đến Km+18+650; sẵn sàng hệ thống barie, rào chắn và bố trí lực lượng trực gác tại các đầu cầu: Thuận Phước, sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Phò Nam, tầng 3 nút Ngã ba Huế để triển khai phương án chốt chặn, cấm người dân lưu thông qua các cầu.

Ngoài ra, Đà Nẵng chuẩn bị ít nhất 2 xe xúc lật để chuẩn bị dọn dẹp cát chài trên các tuyến đường ven biển; chuẩn bị cọc cừ, máy, búa rung, các xe đào, xe tải để khắc phục thiệt hại; máy phát điện dự phòng, máy bơm nước để phòng chống ngập úng tại mố neo cầu Trần Thị Lý, hầm chui nút phía Tây cầu Sông Hàn, nút Điện Biên Phủ; bố trí người trực gác tại các cầu để kịp thời cảnh báo, chốt chặn 2 đầu cầu theo các tình huống kịch bản thiên tai, đặc biệt tại các cầu lớn như Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý…

Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa gia cố đê, di dời dân phòng chống bão số 9 Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa gia cố đê, di dời dân phòng chống bão số 9 Bão số 9 đang trong giai đoạn mạnh nhất ở cấp 14, giật cấp 17 Bão số 9 đang trong giai đoạn mạnh nhất ở cấp 14, giật cấp 17 Người dân làng biển Quảng Ngãi đã di dời tránh bão số 9 Người dân làng biển Quảng Ngãi đã di dời tránh bão số 9

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước