Trước mắt là việc gỡ "thẻ vàng" do Ủy ban châu Âu cảnh báo với ngành thuỷ sản Việt Nam. Theo đó, các lực lượng thực thi như Cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng, phối hợp với chính quyền và hiệp hội nghề cá ở các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và cụ thể.
Tại Kiên Giang - một trong các địa phương đông ngư dân nhất với hơn 9.800 tàu cá, một tàu cá đánh bắt sai khu vực được lực lượng cảnh sát biển tiếp cận, lai dắt về xử lý theo quy định.
Trong năm qua, các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng và chính quyền các địa phương đã phối hợp tuần tra liên tục, quyết tâm chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp.
Đại tá Lê Văn Tú - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 - cho biết: "Ký cam kết không vi phạm vùng biển, cảnh báo sớm cho các tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để tuyên truyền và ngăn chặn. Chính vì vậy, tình trạng vi phạm thời gian qua đã giảm rõ rệt".
Trước đây, các vi phạm chủ yếu là đánh bắt ở khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đánh bắt theo kiểu tận diệt như dùng thuốc nổ, giã cào, hoặc đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Một số tàu cá thậm chí còn gửi hộp đen, thiết bị giám sát cho tàu cá khác để qua mặt cơ quan quản lý. Nhưng sau hàng loạt vụ xử lý nghiêm, như chỉ riêng tỉnh Kiên Giang 1 năm qua đã xử phạt hơn 6,1 tỷ đồng với 123 tàu cá khai thác bất hợp pháp. Cùng với đó là nhiều hoạt động tuyên truyền nên nhận thức của nhiều bà con ngư dân đã thay đổi.
Ông Hồ Hoàng Gẫm - ngư dân huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) - chia sẻ: "Qua thời gian tuyên truyền, nhiều tàu cá của mình cũng bị xử lý, bị các nước xử phạt thì chúng tôi cũng sợ, không dám vi phạm nữa".
Dự kiến trong tháng 10 năm nay, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu sẽ trở lại Việt Nam để kiểm tra việc khắc phục "thẻ vàng" đối với thủy sản. Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ bỏ cảnh báo "thẻ vàng", hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!