Phụ huynh, nhà trường cần xử sự với bạo lực học đường thế nào cho hợp tình, hợp lý?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 01/06/2022 06:29 GMT+7

VTV.vn - Bạo lực học đường giờ đây không chỉ là chuyện của học sinh, mà đặt ra vấn đề ứng xử từ cả phía nhà trường và cha mẹ. Người lớn cần đối diện với vấn đề này như thế nào?

Cha mẹ, nhà trường có thể đẩy sự việc đi rất xa vì thiếu kiến thức

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao khi một phụ huynh tố cáo con mình bị bạn đánh tại một trường quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng nói là phụ huynh này cho rằng nhà trường bao che, không xử lý vụ việc. Những tâm sự bức xúc được livestream trên mạng xã hội đã thu hút hàng triệu người theo dõi. Bộ Giáo dục và đào tạo đã phải ra công văn đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh xác minh thông tin và xử lý vụ việc, báo cáo về bộ trong ngày 31/5.

Cụ thể, phụ huynh này đã quay clip, sau đó livestream và đăng bài trên mạng xã hội, xung quanh vụ việc con mình bị bạn đánh vô cớ, nhưng nhà trường lại không cho bà gặp người đã hành hung con mình mà yêu cầu 2 bên gia đình tự giải quyết với nhau. Livestream đã nhận được gần 5 triệu lượt người xem, hơn 30 nghìn lượt chia sẻ, đa phần là phẫn nộ, bức xúc.

Phụ huynh, nhà trường cần xử sự với bạo lực học đường thế nào cho hợp tình, hợp lý? - Ảnh 1.

Dư luận xôn xao khi một phụ huynh tố cáo con mình bị bạn đánh tại một trường quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phụ huynh, nhà trường cần xử sự với bạo lực học đường thế nào cho hợp tình, hợp lý? - Ảnh 2.

Livestream của phụ huynh phản ánh con bị bạn cùng trường đánh đã nhận được gần 5 triệu lượt người xem, hơn 30 nghìn lượt chia sẻ, đa phần là phẫn nộ, bức xúc.

Về phía nhà trường đã có báo cáo tới Sở giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thừa nhận có một phần trách nhiệm khi để xảy ra sự đáng tiếc này giữa các học sinh với nhau. Tuy nhiên theo nhà trường một số phụ huynh đã có những hành động và thái độ không phù hợp, không hợp tác với nhà trường, đồng thời có xu hướng lạm dụng truyền thông để kích động bắt nạt trực tuyến.

Trao đổi với phóng viên VTV trong chương trình Vấn đề hôm nay, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, nhà trường có trách nhiệm chính trong vấn đề bạo lực học đường: "Bạo lực học đường có nghĩa là vấn đề bạo lực đang xảy ra đối với học sinh của trường. Vì vậy phải khẳng định rằng đây là trách nhiệm chính từ phía nhà trường. Việc người mẹ có nguyện vọng được gặp đối tượng đã gây ra bạo lực đối với con không có gì quá là bất thường. Thế nhưng nhà trường chưa thể đáp ứng được yêu cầu đó thì cũng chưa thật sự phù hợp. Cần phải thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu tâm trạng của phụ huynh và mong muốn, đề nghị phụ huynh được cùng phối hợp với nhà trường. Còn ngay lập có thể giải thích để phụ huynh thấy rằng cũng cần có sự xem xét, giải quyết ổn thỏa nhất".

Về phản ứng của người mẹ trong câu chuyện trên, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận phân tích: "Chúng ta cũng rất dễ hiểu tâm trạng của phụ huynh khi mỗi bậc cha mẹ chứng kiến hoặc biết được thông tin con mình bị bạo hành, bị bạo lực như vậy. Trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng phụ huynh - mẹ của cháu bé là nạn nhân của bạo lực đấy cũng chưa được chuẩn bị đầy đủ những kiến thức và kĩ năng cần thiết khi con mình là người gây ra hoặc là nạn nhân của bạo lực, chứng kiến bạo lực. Vì thiếu kiểm soát cho nên người mẹ cũng chưa suy nghĩ được thấu đáo và cũng chưa hình dung được hết những hệ lụy của cách giải quyết bộc phát của mình".

"Tôi cũng tin rằng phụ huynh không lường được tình huống con mình bị bạo lực nên rất bất ngờ. Những phản ứng của phụ huynh cũng là bộc phát, chắc chắn tác động tiêu cực đến bản thân học sinh, nhà trường và chính cha mẹ học sinh này" - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học chia sẻ.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận cũng cho biết, trong rất nhiều trường hợp, trẻ có những mâu thuẫn xung đột và dùng bạo lực để giải quyết cũng có rất nhiều mức độ. Mâu thuẫn, xung đột này có thể chỉ chốc lát, có thể trẻ không nghĩ nghiêm trọng đến như vậy. Sự nóng giận của cha mẹ, của thầy cô lại đẩy sự việc đi rất xa.

"Chính bản thân các em lại thấy rằng tại sao có thể làm to chuyện như vậy. Rất có thể rằng những hành vi đó của cha mẹ lại làm cho các con đang phải chịu thêm những áp lực từ phía bạn bè, nhà trường. Nếu như các con chưa nhận thức, chưa được nhà trường trang bị cho những những kỹ năng để giải quyết vấn đề hiệu quả, có thể các con sẽ bị cha mẹ cuốn theo hướng đó" - PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận phân tích.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận nhấn mạnh biện pháp phải phòng ngừa, chính là nâng cao nhận thức thông qua truyền thông, qua những tài liệu, các hoạt động giao lưu, các cuộc họp phụ huynh, hoạt động trao đổi phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ: "Thông qua quá trình bổ sung, bồi dưỡng kiến thức, bản thân họ cũng sẽ biết đánh giá. xem xét. phân tích để họ nhìn được cách giải quyết như thế nào là phù hợp hay không phù hợp. Họ sẽ nhìn lại chính mình và bản thân học sinh cũng như vậy".

Nhà trường - phụ huynh - xã hội cần phối hợp, không nên đổ lỗi

Bạo lực học đường là vấn nạn đã được nhận diện từ lâu nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội.

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là khoảng 5 vụ/ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Phụ huynh, nhà trường cần xử sự với bạo lực học đường thế nào cho hợp tình, hợp lý? - Ảnh 3.

Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia, tội phạm giết người trong độ tuổi 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Nay thì tội phạm ngày càng trẻ hóa, đa phần ở độ tuổi 18 đến dưới 30, chiếm tới 41% tội phạm giết người.

Bạo lực học đường không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Theo báo cáo của UNESCO, hơn 30% học sinh trên thế giới từng là nạn nhân của việc bắt nạt. Gần một phần ba học sinh đã bị các bạn ở trường bắt nạt ít nhất một lần trong tháng và một tỷ lệ tương tự bị bạo hành thể lý. Bạo lực học đường và bắt nạt hầu hết do các bạn cùng trang lứa gây ra. Vậy ở các nước quy trình xử lý bạo lực học đường như thế nào.

Cách giải quyết ở Pháp sẽ là: Gia đình báo nhà trường hoặc ngược lại. Ba bên sẽ có một cuộc hẹn sau đó để tìm cách giải quyết. Nếu không tìm được tiếng nói chung thì gia đình nạn nhân sẽ có thể kiện kẻ hành hung ngay cả khi các em đang ở tuổi vị thành niên.

Theo điều luật 222-11 của Bộ luật hình sự Pháp thì trẻ em trên 15 tuổi hoàn toàn có thể bị phạt án tù 6 tháng đến 1 năm nếu hành hung bạn dẫn đến mất khả năng làm việc trong vòng 8 ngày. Với trẻ em nhỏ tuổi thì hình thức kỷ luật, thậm chí đuổi học tạm thời sẽ được áp dụng.

Tuy vậy luật 19-10-2020 của Pháp cũng quy định rõ việc sử dụng hình ảnh của trẻ vị thành niên trên mọi nền tảng xã hội cho dù đấy là nạn nhân hay bị cáo nhưng không được sự đồng ý sẽ bị phạt tù 1 năm và 15.000 euro.

Cũng tương tự, việc quay phim chụp ảnh tại nơi thuộc quyền sở hữu tư nhân và phát tán sẽ bị kiện nếu chủ cơ sở không đồng ý, nên tại Pháp, việc tuân thủ trình tự khiếu nại khi xảy ra đánh nhau tại trường học rất được phụ huynh và nhà trường chấp hành.

Ngoài ra, Bộ giáo dục và thanh niên quốc gia Pháp cũng có một số điện thoại nóng 3020 để các em gọi khi xảy ra vụ việc mà không dám báo gia đình.

Mới đây, tòa án thẩm phán Paris đã xử 18 tháng tù cho mẹ một học sinh vì tội bạo hành một giáo viên tiểu học khi bà này nghĩ rằng cô giáo đã không bảo vệ con mình.

Một trường học an toàn, lành mạnh là mong ước chung của toàn xã hội. Nhưng thực tế là bạo lực học đường diễn ra khắp nơi trên thế giới và chưa bao giờ thực sự chấm dứt. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng lại tam giác Nhà trường - Phụ huynh - Xã hội là điều quan trọng. Một tam giác phối hợp chứ không phải đổ lỗi cho nhau.

Đã đến lúc cần vạch rõ ranh giới của trách nhiệm, quyền hạn xử lý bạo lực học đường trong một quy trình phổ cập rộng rãi. Nếu chính người lớn chưa thể quản lý cảm xúc phẫn nộ của mình, thì khó hy vọng trẻ nhỏ vượt qua cái bẫy bạo lực, vì người lớn là tấm gương sống động nhất cho trẻ học theo.

UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo 'nóng' xử lý vụ xô xát giữa học sinh tại trường quốc tế ISHCMC - AA UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo "nóng" xử lý vụ xô xát giữa học sinh tại trường quốc tế ISHCMC - AA

VTV.vn - UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND TP Thủ Đức nhanh chóng xác minh thông tin, xử lý vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước