Những phụ nữ "khắc tinh" của tội phạm ma túy
Đấu tranh với tội phạm về ma túy luôn là một trận tuyến nóng bỏng và cực kỳ hiểm nguy. Thế nhưng ít ai biết, ở các đơn vị chiến đấu với tội phạm ma túy vẫn có những nữ trinh sát bản lĩnh, trí tuệ và dũng cảm, luôn vượt qua mọi khó khăn để đấu tranh với tội phạm nguy hiểm này.
Góp mặt trong hầu hết các chuyên án ma túy tại khu vực phía Nam nhưng ít ai ngờ chị Vũ Thị Thu Hà là đội trưởng của Đội Phòng chống ma túy – Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải Quan. Thành tích nhiều, nguy hiểm cũng không ít tuy nhiên với chị Vũ Thị Thu Hà thì khi nhận nhiệm vụ này, chị đã hiểu và hình dung được công việc chị sẽ phải đối mặt: Đó là sự hy sinh cuộc sống cá nhân, sự vất vả và hiểm nguy, thậm chí là phải đánh đổi cả tính mạng.
Bên cạnh đó là những trinh sát nữ của lực lượng phòng chống ma túy bộ đội biên phòng. Có mặt trên các điểm nóng biên giới, trinh sát nam đi đến đâu thì trinh sát nữ cũng có mặt ở đó. Cũng dầm mưa dãi nắng, cũng lặn lội đêm hôm tuy nhiên với các chị, càng khó khăn lại càng thôi thúc các chị dấn thân hơn nữa.
Đại úy Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung -chia sẻ: "Công việc đòi hỏi công tác đột xuất, thất thường, ảnh hưởng tới chăm sóc con cái gia đình nhưng được gia đình hỗ trợ, đồng đội quan tâm giúp đỡ, vì niềm đam mê nên tôi vẫn quyết tâm theo nghề".
Với mỗi trinh sát ma túy nói chung, trinh sát ma túy nữ nói riêng, mỗi lần vào sào huyệt của bọn tội phạm là mỗi lần đòi hỏi cả sự dũng cảm, bản lĩnh. Tuy nhiên, chính trong khó khăn, gai góc đã tôi luyện ý chí và từ đó, giúp các chị không ngừng rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ để đóng góp sức mình vào công cuộc đảm bảo an ninh quốc gia, mang đến bình yên cho xã hội.
Không có một lĩnh vực nào nữ giới tỏ ra yếu hơn nam giới
Khác với nam giới, lao động nữ phải đảm nhiệm nhiều vai trò, vừa là lao động, vừa là vợ, là mẹ, có nghĩa vụ, bổn phận chăm sóc gia đình chính vì vậy pháp luật Việt Nam đã dành nhiều đặc quyền pháp luật riêng cho lao động nữ được quy định tập trung tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật hôn nhân gia đình, Bộ luật Lao động.
Đặc quyền pháp luật dành riêng cho lao động nữ
1. Được chuyển làm công việc nhẹ nhàng hơn
2. Được hưởng 100% lương khi nghỉ khám thai
3. Được nghỉ 6 tháng để chăm con
4. Được nghỉ trong giờ làm
5. Được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng
6. Không bị kỷ luật lao động
7. Không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
8. Không phải làm thêm giờ hoặc đi công tác xa
Khái quát thì như vậy tuy nhiên cần lưu ý vì các đặc quyền này chỉ được áp dụng trong những điều kiện như: Lao động nữ đang mang thai, đang nghỉ thai sản, đang nuôi con nhỏ… Có 1 đặc quyền khác mà nữ giới lợi thế hơn hẳn nam giới đó là tuổi kết hôn của nữ giới được sớm hơn 2 tuổi so với nam giới.
Trong ngày 20/10, nói về phụ nữ và công việc, chúng ta phải khẳng định không có một lĩnh vực nào nữ giới tỏ ra yếu hơn nam giới. Suốt nhiều tháng qua và cho đến thời điểm này, vẫn có hàng trăm hàng nghìn nữ y bác sỹ vẫn hàng ngày xả thân trên tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh những nữ y bác sỹ đã để lại cảm xúc cho nhiều người về sự kiên cường, quả cảm.
Những "bông hồng" trên tuyến đầu chống dịch COVID-19
Đặc thù điều trị bệnh truyền nhiễm nên Khoa nhiễm D của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM luôn trong tình trạng báo động đỏ tiếp nhận ca bệnh dịch, từ đại dịch SARS, H1N1 và giờ là COVID-19. Nhưng ở khoa phần lớn y bác sĩ đều là nữ.
Vì nhiệm vụ cứu người là mệnh lệnh trái tim người thầy thuốc. Với bệnh nhân COVID-19, lây nhiễm là nguy cơ luôn thường trực. Nhưng như những con thoi, người vào phòng áp lực âm, người theo dõi camera, người chuẩn bị thuốc... Các y bác sĩ ở đây thường trực 24/24. Không ít lần các chị phải tự động viên vì ở tuyến đầu, đồng đội vẫn đang ngày đêm vất vả.
Điều dưỡng trưởng Phạm Thị Tuyến - Khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TP.HCM - cho hay: "Ai cũng mệt mỏi hết nhưng mình phải tự động viên mình vượt qua".
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Vân - Khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TP.HCM - chia sẻ: "Cả gia đình không ai cho mình đi làm nghề này cả - chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Nhưng mình nghĩ chị em mình làm được, với lại chị em mình chiến đấu mình đâu có bỏ chị em mình được".
Tự động viên nhau nhưng sự động viên lớn nhất với họ là từng ca bệnh đã được phục hồi, xuất viện. Điều mong mỏi của họ là ai cũng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng. Bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, theo xếp hạng năm 2018 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đứng thứ 68/162 quốc gia được xếp hạng về bình đẳng giới.
Hiện nay, sự tham gia của nữ giới trong nhiều công việc mà trước đây chỉ dành cho nam giới khẳng định sự bình đẳng và năng lực của nữ giới chưa bao giờ thua kém phái mạnh. Tại TP.HCM, mới đây đã xây dựng mô hình thí điểm về đội nữ CSGT xử lý vi phạm giao thông. Sự mềm mỏng nhưng không kém phần kiên quyết đã cho thấy hiệu quả xử lý các "ma men" lái xe nhanh gọn và bớt xung đột hơn.
Có thể nói, trên mọi lĩnh vực nghề nghiệp, không nơi nào không có sự tham gia của phái nữ. Nam giới làm được gì thì nữ giới cũng làm và thành công không kém cho dù khó khăn đến mấy. Đây không chỉ thể hiện về năng lực, trí tuệ và sự công hiến của riêng phái nữ mà đối với mỗi quốc gia còn thể hiện sự bình đẳng, bình quyền, nam nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!