Theo phản ánh của người dân khu 1 xóm Mới, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông bà Đa Hằng (khu 6, xã Đỗ Xuyên) đã tồn tại cả chục năm qua. Chị Bùi Thị Thu Hương – một người dân ở khu này cho biết: "Trang trại này nằm sát khu dân cư, có 3 dãy chuồng với số lượng lên đến hàng nghìn con lợn gây ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng.."
Trang trại lợn nằm trong khu dân cư, giáp với một số hộ dân
Nếu thông tin của chị Hương về số lợn trong trang trại là đúng, mỗi ngày, lượng chất thải của đàn lợn sẽ rất lớn. Tuy nhiên, trang trại này lại không có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp. Khi vệ sinh chuồng trại, nước xả thải được đẩy thẳng ra sông Hồng theo một hệ thống ống được xây dựng trái phép. Mùi hôi thối, vì vậy, lan tỏa nồng nặc ra môi trường. Chị Bùi thị Thu Hương bức xúc: … …"Mỗi khi ăn cơm người dân nơi đây phải đóng kín cửa, từ hồi trang trại này chuyển về đây chúng tôi không có bữa cơm nào được ngon miệng"… Bà Nguyễn Thị Bạc nói thêm:… "Khổ nhất là những gia đình có ma chay, cưới xin, cỗ bàn khách đến chỉ ăn vội rồi về vì mùi hôi thối quá mức"…
Người dân bức xúc nói về trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm
Không chỉ là vấn đề ô nhiễm mùi xú uế, người dân ở đây còn cho biết, trang trại này đã nhiều lần vứt lợn chết ra sông Hồng, gây ô nhiễm nguồn nước và tiềm ẩn nguy cơ. Bà Bùi Thị Minh, một người dân khác ở khu 1, xã Lương Lỗ nói:… "Chúng tôi đã phản ánh lên UBND xã Đỗ Xuyên nhiều lần, nhưng không được xử lý một cách triệt để. Do quá bức xúc nên một số người dân đã căng băng rôn để phản đối"…
Người dân căng băng rôn phản đối trang trại lợn gây ô nhiễm
Nước thải được xả trực tiếp ra sông Hồng
Nội tạng động vật được vứt thẳng ra cống nước thải – Hình ảnh do người dân cung cấp.
Ngày 04/12, có mặt tại trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông bà Đa Hằng, phóng viên Thời báo VTV xác nhận số lượng vật nuôi của trang trại tương ứng quy mô chăn nuôi lớn, tức là trên 300 đơn vị vật nuôi. Trang trại cách nhà của các hộ dân gần nhất khoảng 20 -30m. Đây là khoảng cách không phù hợp so với quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT. Theo đó, khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến khu dân cư tối thiểu là 400 mét.
Phóng viên cũng ghi nhận tồn tại hệ thống tạm bợ, dẫn chất thải, nước thải trực tiếp từ trang trại ra sông Hồng. Điều này cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định về xử lý chất thải chăn nuôi, trong đó có quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn hữu cơ, nước thải, khí thải chăn nuôi theo quy trình, quy định.
Nước thải chảy ra sông Hồng có mùi hôi thối rất khó chịu
Trang trại này có nhiều đường ống dẫn nước thải ra Sông Hồng
Trao đổi với phóng viên về các vi phạm nêu trên, ông Ngô Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuyên cho biết trang trại chăn nuôi của gia đình ông bà Đa Hằng (khu 6, xã Đỗ Xuyên) hoạt động từ năm 2014, đến năm 2020 mới có quy định về khoảng cách an toàn từ trang trại chăn nuôi đến khu dân cư nên rất khó để xử lý: "Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cùng đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân huyện đã đến tiếp xúc cử tri, người dân cũng có ý kiến về nội dung này. Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba hứa, từ giờ đến trước Tết Nguyên đán sẽ tiến hành cưỡng chế phần xây dựng trái phép của trang trại, nếu họ không tự tháo dỡ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!