Phương pháp điều trị hiệu quả suy giãn tĩnh mạch chi dưới, tránh biến chứng nặng

Trịnh Mai-Thứ tư, ngày 15/03/2023 14:52 GMT+7

VTV.vn - Nhiều kỹ thuật hiện đại được ứng dụng trong tầm soát phát hiện, điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, góp phần ổn định sức khỏe và nâng cao chất lượng sống của người bệnh.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh thường gặp, xảy ra khi tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường, từ đó làm tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch giãn ra, van tĩnh mạch suy yếu. Bệnh lý này có các dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn, nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị bị chậm trễ, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Để giúp người dân hiểu rõ hơn về tình trạng suy giãn tĩnh mạch, những công nghệ hiện đại điều trị hiệu quả bệnh lý này, tối ngày 14/03/2023, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Tầm soát phát hiện sớm và điều trị hiệu quả suy giãn tĩnh mạch". Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia đến từ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội: TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, THS.BSCKII Nguyễn Thu Trang, THS.BS Trần Quốc Việt.

Biến chứng nguy hiểm, nhưng dễ chủ quan

Theo PGS Bạch Yến, khoảng 40 - 50% người trưởng thành có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch. Nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn 2 - 3 lần so với nam giới, do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ estrogen khiến tĩnh mạch suy yếu hơn, tình trạng thai nghén gây chèn ép tĩnh mạch, cản trở máu từ tĩnh mạch trở về tim. Người ít vận động, đứng lâu, ngồi lâu, mang vác nặng hoặc thừa cân béo phì cũng dễ gặp phải tình trạng này. Ngoài ra, những người có thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cũng có thể bị suy giãn tĩnh mạch thứ phát. Một tỷ lệ nhỏ khác bị bệnh do bất thường bẩm sinh về tĩnh mạch.

Những dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Người bệnh có cảm giác nặng chân, phù nhẹ, đi giày dép chật hơn bình thường, chân dễ mỏi, tê bì, cảm giác như kim châm hay kiến bò vùng cẳng chân, chuột rút. Đôi khi chân xuất hiện những mạch máu nhỏ li ti trên bề mặt da như mạng nhện. Tình trạng này tăng dần về chiều tối hoặc ban đêm nhưng có thể mất đi khi người bệnh nghỉ ngơi.

Ở giai đoạn nặng, vùng da cẳng chân có thể biến đổi màu sắc do tĩnh mạch ứ lâu ngày, gây đau nhức, các búi tĩnh mạch nổi rõ trên da. Nếu không được điều trị, da bị dày, cứng, xơ hóa, thiếu chất dinh dưỡng, khiến da không còn mềm mại. Ở giai đoạn cuối, tĩnh mạch nông giãn to thành búi, có thể loét, nhiễm trùng hoặc tạo huyết khối. Một số trường hợp huyết khối từ chân theo tĩnh mạch về tim và sang phổi, gây nhồi máu phổi, nguy hại đến sức khỏe.

Phương pháp điều trị hiệu quả suy giãn tĩnh mạch chi dưới, tránh biến chứng nặng - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Thị Bạch Yến cảnh báo suy giãn tĩnh mạch dễ gây nhầm lẫn, dễ bị bỏ qua.

Nhiều phương pháp hiện đại chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị hiệu quả

Theo các chuyên gia, suy giãn tĩnh mạch có thể chẩn đoán qua khai thác yếu tố nguy cơ, các triệu chứng của người bệnh. Thông thường, ở người bệnh có mô dưới da mỏng, có thể nhìn và sờ thấy tĩnh mạch giãn ra và căng nhanh khi chuyển từ tư thế nằm sang đứng.

Siêu âm tĩnh mạch chi dưới là phương pháp thăm dò quan trọng để đánh giá tình trạng bệnh, giúp quan sát thành mạch, hoạt động của van tĩnh mạch và phát hiện các cục máu đông. Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, hệ thống siêu âm Doppler mạch máu có thể ghi nhận dòng trào ngược qua van tĩnh mạch một cách chính xác, với thời gian kéo dài >0.5 giây ở tĩnh mạch hiển và tĩnh mạch sâu ở cẳng chân hoặc >0.1 giây ở tĩnh mạch đùi khoeo.

Ngoài ra, siêu âm Doppler còn xác định được những tổn thương hoặc bất thường, dị dạng ở tĩnh mạch, các van tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé, tĩnh mạch sâu và các van tĩnh mạch xuyên. Đặc biệt, phương pháp chẩn đoán này hoàn toàn vô hại, không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nên việc thăm khám, chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch ở mẹ bầu không gây lo ngại. Dựa trên kết quả siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá và lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp.

Theo bác sĩ Thu Trang, suy giãn tĩnh mạch diễn biến qua 7 giai đoạn từ C0 đến C6. Ở mỗi giai đoạn, bệnh có những phương pháp điều trị khác nhau. Với nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nhất định, có thể thay đổi lối sống như tăng cường vận động, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Để giảm bớt áp lực thủy tĩnh và sự ứ trệ tĩnh mạch, có thể sử dụng tất áp lực hoặc thuốc tăng sinh mạch máu. Từ giai đoạn C2 trở đi, khi van tĩnh mạch có tổn thương nhất định, tĩnh mạch nông dưới da có giãn ngoằn ngoèo, việc điều trị nội khoa hoặc dùng tất áp lực hỗ trợ không thể cải thiện tình trạng bệnh. Lúc này, cần có biện pháp triệt tiêu tĩnh mạch bị suy giãn.

Nếu như trước đây, phẫu thuật bóc, rút tĩnh mạch là biện pháp duy nhất điều trị suy giãn tĩnh mạch thì hiện nay, cùng với sự phát triển, tiến bộ của y học và khoa học, nhiều phương pháp hiện đại được ứng dụng điều trị bệnh hiệu quả. Khác với phẫu thuật gây ra sự xâm lấn lớn, khiến bệnh nhân mất nhiều thời gian hồi phục, các phương pháp xâm lấn tối thiểu có nhiều ưu điểm: thời gian điều trị ngắn, đảm bảo tính thẩm mỹ, bệnh nhân hồi phục nhanh, có thể ra viện trong ngày, đi lại bình thường, sớm quay lại với cuộc sống và công việc đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

Tiêm xơ: Nguyên lý chung là tiêm chất gây xơ vào hệ thống tĩnh mạch nông chi dưới, có thể là hiển lớn hoặc hiển bé, làm tắc lòng tĩnh mạch bị suy, giúp máu không bị ứ trệ tại tĩnh mạch bị suy giãn. Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp tĩnh mạch giãn nhẹ, khoảng dưới 1cm. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị không cao do dễ tái phát ở những tĩnh mạch lớn trên 3mm. Ngoài ra, kỹ thuật dễ gây biến chứng như tụ máu tại vị trí viêm, tắc động mạch cấp do quá trình tiêm có thể xâm lấn sang động mạch, có nguy cơ cắt cụt chi; viêm tĩnh mạch hay quanh tĩnh mạch do tiêm quá nhiều chất xơ…

Điều trị bằng sóng cao tần hay tia laser: Là phương pháp dùng nhiệt phá hủy tĩnh mạch, gây tắc tĩnh mạch, từ đó loại bỏ dòng trào ngược tại tĩnh mạch bị suy. Ưu điểm của phương pháp này là ít đau, người bệnh chỉ cần gây tê tại vị trí quanh tĩnh mạch bị giãn mà không cần gây tê tủy sống hay gây mê, thời gian hồi phục nhanh, không để lại sẹo, tỷ lệ tái phát thấp. Sau can thiệp, người bệnh cần duy trì đi tất áp lực khoảng 2 tuần đến 1 tháng để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Keo sinh học: Là biện pháp mới nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ gây bít tắc tĩnh mạch bị suy bằng keo sinh học, nhờ đó không xảy ra tình trạng ứ trệ máu. Phương pháp này nổi bật với nhiều ưu điểm: thời gian thủ thuật nhanh, không gây đau buốt do không phải gây tê như các phương pháp sử dụng nhiệt, không để lại sẹo, không cần đi tất áp lực sau điều trị, tỷ lệ tái phát thấp.

Phương pháp điều trị hiệu quả suy giãn tĩnh mạch chi dưới, tránh biến chứng nặng - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Thu Trang chia sẻ nhiều phương pháp điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch.

Tại BVĐK Tâm Anh, với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, các chuyên gia giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực can thiệp nội mạch thường phối hợp nhiều kỹ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch nông. Theo PGS Bạch Yến, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp suy giãn tĩnh mạch nặng, chân người bệnh nổi các búi, cục tĩnh mạch to, ngoằn ngoèo trên bề mặt da. Sau can thiệp, người bệnh không những điều trị được tình trạng suy giãn tĩnh mạch mà còn có đôi chân đẹp đẽ, thon gọn, đảm bảo tính thẩm mỹ với thời gian hồi phục nhanh chóng.

Phòng bệnh bằng cách cải thiện lối sống

Giải đáp thắc mắc của khán giả về chế độ luyện tập thể dục thể thao cho người suy giãn tĩnh mạch, bác sĩ Quốc Việt cho biết, hầu hết các biện pháp tập luyện đều mang lợi ích ngăn ngừa, giảm tình trạng bệnh tiến triển như đi bộ, đạp xe, bơi, yoga. Những người phải ngồi hoặc đứng lâu, nên tập vận động bàn chân thường xuyên để máu lưu thông tốt.

Phương pháp điều trị hiệu quả suy giãn tĩnh mạch chi dưới, tránh biến chứng nặng - Ảnh 3.

Theo bác sĩ Trần Quốc Việt, người bị suy giãn tĩnh mạch có thể đi bộ, bơi, đạp xe để cải thiện bệnh.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc hạn chế ngồi hay đứng cố định một tư thế, tập thể dục thường xuyên, để phòng tránh bị suy giãn tĩnh mạch, mọi người cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức bền của thành mạch: uống đủ nước, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, bổ sung chất xơ và vitamin, kê chân cao khi ngồi hay nằm nghỉ, tập hít thở chủ động, tránh táo bón, béo phì… Việc mang tất áp lực chuyên dụng cũng là lựa chọn mang lại hiệu quả phòng bệnh.

Hiện BVĐK Tâm Anh Hà Nội đang triển khai chương trình ưu đãi giảm 20% phí dịch vụ gói khám tầm soát tầm bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới cho khách hàng nữ trên 25 tuổi khi khám ngoại trú tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội từ ngày 07 - 18/3/2023 như lời tri ân gửi tặng "một nửa thế giới" nhân dịp 8/3. Ngoài ra, bệnh viện có nhiều gói khám và điều trị suy giãn tĩnh mạch với chi phí hợp lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước