Năm 1954, khi Thủ đô giải phóng, Hà Nội chỉ giới hạn trong 152 km2. Hạ tầng đô thị do người Pháp để lại đáp ứng cho quy mô dân số ở khu vực nội đô lịch sử, lúc đó chưa tới 40 nghìn người.
Từ một đô thị nhỏ nằm phía Nam sông Hồng, qua gần 7 thập kỷ, không gian đô thị mở rộng ra ngoài phạm vi của nội đô lịch sử, vượt sông phát triển sang phía Bắc sông Hồng. Đặc biệt với lần mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Hà Nội trở thành đô thị lớn nhất cả nước với hơn 3.300 km2. Điều này đã tạo cho Hà Nội một không gian đủ lớn để phát triển mạnh mẽ. Nhưng cũng từ đây là những thách thức đặt ra cho quá trình phát triển.
Ùn tắc, cứ mưa là ngập và đặc biệt là mật độ dân số chất tải lên các chung cư đang tạo sức ép cho khu vực nội đô.
Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: "Trước năm 2005, Hà Nội chỉ có khoảng 60 các nhà cao tầng, tương đương từ 9 tầng trở lên, nhưng đến bây giờ chúng ta có khoảng hơn 400 chung cư. Chung cư cao tầng để ở đâu? Trong quy hoạch xác định, định hướng ở những khu vực phát triển lớn, ở khu mở rộng và đặc biệt là khi có chung cư tầng, khi có công trình cao tầng thì phải đảm bảo yêu cầu giao thông nhưng hiện nay phần lớn các doanh nghiệp phát triển các công trình này họ chỉ được giao nhiệm vụ phát triển trong giới hạn đất họ được giao dự án".
Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị sẽ tạo bước đột phá cho Hà Nội. Trong đó, nâng cao chất lượng quy hoạch được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Quy hoạch phải đi trước một bước, để định hình hướng phát triển của Hà Nội một diện mạo xứng tầm đô thị hiện đại, có vị thế ở khu vực và thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!