Nếu tính từ tháng 10/2017, khi Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng với ngành thủy sản Việt Nam thì đến nay, chúng ta đã có gần 6 năm nỗ lực để thay đổi. Nhiều kết quả đạt được khi Việt Nam đã dần chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá trách nhiệm.
Lần đánh giá thứ 4 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2023 và Việt Nam đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này.
Cuộc làm việc mới đây giữa đoàn công tác kỹ thuật của Bộ NN&PTNT và Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Phía EC đánh giá Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các khuyến nghị trong công tác chống khai thác IUU và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, phía EC cũng đề nghị Việt Nam cần tiếp tục quyết liệt, nỗ lực hơn nữa để sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng. Hai bên đã cơ bản đạt được sự đồng thuận cao về các nội dung trao đổi.
Dự kiến, Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT và Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu sẽ tổ chức 2 cuộc họp đối thoại trực tuyến để tiếp tục trao đổi, cập nhật các tiến độ triển khai khuyến nghị trước khi Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác khai thác IUU lần thứ 4 tại Việt Nam.
Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Cũng theo Cục Kiểm ngư, từ nay đến tháng 10, phải kiên quyết không để tàu cá nào vi phạm hoặc có chuyển biến tương đối ổn định... thì chúng ta mới có cơ hội để gỡ thẻ vàng. Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu là những địa phương vẫn có 14 tàu cá và 8 ngư dân vi phạm.
Trong khi đó, tỉnh Phú Yên đã là một điểm sáng khi 5 năm nay không có tàu cá nào vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài. Cùng với đó, ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngư dân ngày càng được nâng cao trong phòng, chống khai thác IUU nhờ cách làm riêng.
Một công việc mà thiếu tá Nguyễn Thành Đông được giao là theo dõi, phụ trách 7 tàu cá của ngư dân để biết vị trí hoạt động. Chỉ cần 1 tàu đến gần vùng lãnh hải nước bạn sẽ được anh liên lạc nhắc nhở.
Hiện, dọc tuyến ven biển, Bộ đội Biên phòng Phú Yên phân công 40 cán bộ, chiến sĩ là Đảng viên ở các trạm biên phòng theo dõi 160 chủ tàu khai thác vùng khơi nằm trong danh sách có nguy cơ cao. Mỗi đảng viên phụ trách từ 3- 7 ngư dân. Họ chính là lực lượng nòng cốt đồng hành cùng ngư dân thực hiện có hiệu quả việc chống khai thác IUU.
Nhờ cách làm này, đến nay đã có gần 2.200 ngư dân Phú Yên ký cam kết không khai thác vùng biển nước khác. Nhận thức của ngư dân về chống IUU đã nâng lên. Với những trường hợp cố tình cắt tín hiệu giảm sát hành trình cương quyết xử phạt. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Phú Yên xử phạt 7 tàu cá vi phạm với số tiền hơn 500 triệu đồng.
Bên cạnh siết chặt quản lý tàu cá, xử lý vi phạm, về lâu dài, việc khẩn trương thành lập kiểm ngư địa phương theo quy định tại Luật Thủy sản, điều động, luân chuyển để đảm bảo bố trí đủ nhân lực, kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý tàu cá, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề cho ngư dân sẽ góp phần xây dựng một nghề cá bền vững cho chính Việt Nam chứ không chỉ là mục tiêu gỡ thẻ vàng vào tháng 10 năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!