Rác nhựa - vấn đề lớn của ngành du lịch Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 15/04/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Môi trường, trong đó có vấn nạn rác nhựa đang là vấn đề cần được cải thiện ngay của du lịch Việt.

Làm du lịch không rác thải nhựa

Việt Nam bị đánh giá là quốc gia có lượng lớn rác thải nhựa thải ra biển. Chính bởi vậy, bên cạnh 6 chỉ số năng lực phát triển du lịch ở vào nhóm dẫn đầu thế giới thì rất đáng tiếc chỉ số về sự bền vững về môi trường là thấp nhất: 94/117.

Là nguồn phát sinh rác thải nhựa cả trên đất liền và trên biển, hoạt động du lịch được coi là một ngành phát thải một lượng rác thải nhựa lớn ra môi trường. Chính bởi vậy, nhiều địa phương xác định làm du lịch là xây dựng thương hiệu không rác nhựa.

Tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), lặn biển, ngắm san hô là dịch vụ không mới. Nhưng lặn biển ở đảo không rác nhựa, ngoài việc được hướng dẫn các kỹ thuật thông thường, cuộc nói chuyện có thêm 1 nội dung nữa là lượm rác bỏ vào túi.

Rác nhựa - vấn đề lớn của ngành du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Du khách được hướng dẫn lượm rác bỏ vào túi

Dù nằm ở khu vực không dấu chân người, nhưng rác nhựa vẫn trôi dạt từ đâu đó. Muốn bảo vệ thiên nhiên, mỗi du khách phụ giúp một tay.

Tour dưới nước hay tour trên bờ, mọi hoạt động du lịch đều trao gửi sự chung tay cùng du khách giảm rác nhựa.

Tại hòn đảo không rác nhựa, những cơ sở lưu trú không rác nhựa cũng bắt đầu được hình thành. Sử dụng chai nước thủy tinh, chuẩn bị túi vải túi giấy để du khách dùng đi mua sắm. Thêm một khoản chi phí mới nhưng bù lại là một sự đón nhận.

Rác nhựa - vấn đề lớn của ngành du lịch Việt Nam - Ảnh 2.

Cơ sở lưu trú chuẩn bị túi vải túi giấy để du khách dùng đi mua sắm

Rác nhựa được phân loại riêng, rác hữu cơ được ủ thành phân bón cho vườn. Một huyện đảo xa xôi nhưng quyết tâm là hòn đảo không rác nhựa. Đó là nỗ lực để tạo lập dấu ấn đảo xanh.

Câu chuyện làm du lịch không rác thải nhựa không phải là không có ở Việt Nam. Nhưng mọi chuyện vẫn khá manh nha, trong khi rác nhựa là một vấn đề lớn của ngành du lịch. Đó là lý do để giảm rác nhựa trở thành một trong những chủ đề nóng tại hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2023.

Giảm thiểu rác nhựa và biến rác nhựa thành tiền

Theo số liệu năm 2019, một trong những năm vàng của du lịch Việt Nam, với số lượng khách lưu trú quốc tế là 18 triệu, nội địa là 43,5 triệu, tổng số lượng rác nhựa phát thải ra môi trường là hơn 116.000 tấn.

Các giải pháp giảm thiểu rác nhựa từ hoạt động du lịch được đề ra có sự lồng ghép với hoạt động của cộng đồng. Đó là không sử dụng túi nilon và nhựa một lần vào năm 2025; phân loại rác phù hợp với định hướng phát triển du lịch; thực hiện các biện pháp thu hồi và tái chế vỏ chai nhựa…

Rác nhựa là vấn đề chung mà nhiều quốc gia phải đối mặt. Thái Lan, một trong những thị trường cạnh tranh trực tiếp với chúng ta đã chú trọng cho du lịch bền vững.

Một mô hình du lịch bền vững đang được triển khai ở Vịnh Maya - nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch của Thái Lan. Nếu như trước kia có hàng trăm thuyền đưa khách du lịch vào vịnh mỗi ngày gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Thì nay, các thuyền phải neo đậu từ phía xa. Từ đó, du khách đi bộ dọc theo một con đường bằng gỗ nổi để vào thăm vịnh.

Rác nhựa - vấn đề lớn của ngành du lịch Việt Nam - Ảnh 3.

Một mô hình du lịch bền vững đang được triển khai ở Vịnh Maya

Để xử lý môi trường, vịnh này đã giảm con số khách phục vụ từ 7 nghìn khách du lịch mỗi ngày xuống 375 người mỗi đợt. Đồng thời, du khách cũng chịu nhiều hạn chế nghiêm ngặt về thời gian hoạt động và trải nghiệm trên đảo để giảm rác nhựa.

336.400 tấn là con số rác nhựa dự báo ngành du lịch Việt Nam sẽ phải đối mặt vào năm 2030, tức là gần 3 lần so với thực tại. Đây là một áp lực rất lớn về môi trường, đặc biệt là các khu du lịch biển, ngay trong những ngày nghỉ lễ sắp tới.

Giảm rác nhựa từ gốc là một hướng đi. Hướng đi khác là biến lượng lượng rác thải nhựa trên biển thành tiền.

Hãy thử tưởng tượng những những tour du lịch nhặt rác sẽ là đầu vào cho sẽ được trở thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế. Đây là xu thế của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, mở ra triển vọng mới để phát triển kinh tế.

Rất nhiều sáng kiến biến rác thải thành tài nguyên đã và đang được triển khai rộng khắp Đông Nam Á như các dự án tái chế rác thành vật liệu xây dựng, đồ trang trí nội thất, các sản phẩm nghệ thuật hay phục vụ sản xuất năng lượng.

Mới nhất, trong tuần qua, Brunei thông báo đã lên kế hoạch xây dựng 1 nhà máy đốt rác thải để sản xuất điện. Nhà máy có khả năng xử lý 800 - 1000 tấn rác thải mỗi ngày và là nơi thu gom 90% lượng rác thải của nước này, dự kiến sẽ chạm ngưỡng giới hạn công suất vào năm 2030.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước