Biển Hòn Chồng thuộc danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang, lúc triều xuống điều làm nên vẻ đẹp của biển cạn chính là những khối san hô nhô lên khỏi mặt nước. Tại nhiều vị trí có cả san hô đang hồi sinh. Tuy nhiên, một số người đã đến đây cạy lấy san hô, mang về nhà để làm tiểu cảnh. Sự việc được người dân phản ánh qua các trang mạng xã hội cuối tháng 5.
Một vùng biển khác cũng là nơi đứng đầu cả nước về san hô đó chính là khu bảo tồn biển thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Các nhà khoa học đã ghi nhận nơi đây có đến 350 loài san hô trong số 400 loài san hô ở vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, mới đây, một số du khách khi đến tham quan lại có những hành vi không thể chấp nhận: Bẻ san hô, lấy san hô lên khỏi mặt nước để quay phim, chụp ảnh. Các đối tượng gây ra những hành vi này dù vô tình hay cố ý ngay sau đó đã bị các cơ quan chức năng xử lý.
Nhiều rạn san hô kêu cứu chỉ vì những lối ứng xử không đúng mực.
Trước thực tế trên, không ít người đặt câu hỏi: Nếu những vụ việc phá san hô không bị phát hiện? Nếu những hành vi tàn phá san hô không ngăn chặn kịp thời không ai biết tốc độ hủy hoại san hô sẽ như thế nào?
Tại vùng vịnh Nha Trang, người dân trong vùng đã phải chứng kiến sự biến mất của nhiều vùng rạn san hô trong những thập kỷ qua. San hô bị khai thác, san hô bị tàn phá bởi các dự án xây dựng, trong đó có không ít dự án lấn biển trái phép.
Việt Nam nằm trong vùng đa dạng san hô lớn nhất thế giới nhưng 9/10 trong số hơn 1.000 km2 rạn san hô ở Việt Nam lại đang trong tình trạng nguy cấp. Vẫn còn đó những vùng rạn san hô kêu cứu chỉ vì những lối ứng xử không đúng mực đối với san hô - mái nhà của sinh vật biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!