Mục đích của nghiên cứu là mong muốn nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ loài voi và môi trường sống của chúng.
Có thể nhiều người sẽ thắc mắc phân voi có gì mà lại làm ra giấy được. Lý giải điều này, anh Mai Khắc Trung Trực - Giám đốc Xí nghiệp động vật thuộc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, tất cả các ngành công nghiệp giấy hiện tại đều sử dụng chất chính là cellulose trong thực vật.
Voi ăn thực vật nhưng khả năng tiêu hóa của voi rất thấp, chỉ khoảng 40 - 45% lượng nạp vào. Do đó, phần không tiêu hóa được sẽ đi ra ngoài và nguồn cellulose này được tận dụng như một nguồn nguyên liệu để làm giấy.
5 con voi tại Thảo Cầm viên mỗi ngày có thể thải ra 500 - 800 kg chất thải. Mỗi kg chất thải sẽ cho ra đời 7 tờ giấy A4.
Cả quy trình được làm hoàn toàn thủ công và không sử dụng một chút hóa chất nào. Vậy là từ phần chất thải tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi hoặc làm phân bón, nay lại trở thành những tờ giấy có ích được sử dụng trong lớp học vẽ của các bạn nhỏ thuộc chương trình hè tại Thảo Cầm Viên.
Chất thải của voi đã bắt đầu một vòng đời mới, không chỉ trở thành những bức tranh đẹp đẽ mà qua đó các bạn nhỏ cũng đã ý thức hơn trong việc tiết kiệm giấy để bảo vệ rừng, môi trường sống của loài voi và chính các bạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!