Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp nào để phòng chống?

Nguyễn Thu-Chủ nhật, ngày 04/08/2024 06:05 GMT+7

VTV.vn - Đồng bằng sông Cửu Long vốn được coi là vùng đất màu mỡ nhất cả nước, nhưng hiện nay, khu vực này đang phải hứng chịu sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng.

Trà Vinh, Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp vì sạt lở bờ sông

Cuối tháng 7, Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở ven sông Hậu thuộc hai xã Ninh Thới và Hòa Tân, huyện Cầu Kè. 15 điểm sạt lở, với tổng chiều dài gần 1 km, có những đoạn sạt lở lấn sát chân đường ảnh hưởng tới nhà dân, trường học.

Ngày 30/7, Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên tuyến kênh La Ghì qua xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn với chiều dài khoảng 200 mét, ảnh hưởng trực tiếp tới 15 nhà dân.

Cũng trong tháng 7, hàng loạt các địa phương khác là Cà Mau, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ ghi nhận hàng chục vụ sạt lở bờ sông làm đổ sụp và hư hỏng hàng trăm căn nhà, nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp nào để phòng chống? - Ảnh 1.

Một đoạn bờ sông Ô Môn ở thành phố Cần Thơ bị sạt lở vào sát nhà dân (Ảnh: TTXVN)

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long

Tốc độ sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL đang diễn ra đến mức đáng báo động. Nếu như trước năm 2005, mỗi năm vùng đồng bằng châu thổ được bồi 100ha đất thì khoảng 15 năm trở lại đây, mỗi năm đồng bằng bị mất tới hơn 350ha đất.

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp nào để phòng chống? - Ảnh 2.

Đồng bằng sông Cửu Long mất 350 ha đất mỗi năm vì sạt lở

Theo kết quả thống kê gần đây của viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, toàn vùng đang có 743 điểm sạt lở, gồm bờ sông 686 điểm, dài 591km; bờ biển 57 điểm, dài 203km.

Sạt lở ở ÐBSCL có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc khai thác cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, làm thay đổi dòng chảy. Trong khi lượng cát bị lấy đi lớn, nhưng lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn về ÐBSCL sụt giảm càng khiến tình trạng sụt lún, sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo đó, trước đây lượng phù sa về ÐBSCL 150-160 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa hiện tại chỉ còn 25-35% so với trước đây và trong tương lai có thể tiếp tục giảm, còn dưới 10% khi các đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh được xây dựng.

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp nào để phòng chống? - Ảnh 3.

Lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh theo các năm

Bên cạnh đó, vấn đề phát triển hạ tầng ven sông; khai thác nước ngầm, phương tiện giao thông thủy di chuyển cũng là các yếu tố khiến sạt lở bờ sông thêm trầm trọng.

Cảnh báo sạt lở tiếp tục tăng mạnh các tháng cuối năm 2024

Từ nay đến cuối năm, Đồng Bằng sông Cửu Long sẽ bước vào cao điểm mùa mưa lũ, cũng là mùa cao điểm sạt lở.

Dự báo tổng lượng mưa từ tháng 8 đến tháng 11 năm nay phổ biến ở mức cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Về diễn biến lũ, năm nay dự báo đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ cao hơn hẳn các năm trước. Theo đó, lũ sẽ lên cao nhất vào tháng 10, ở trạm Tân Châu trên sông Tiền, mức lũ sẽ quanh báo động 1, cao hơn 41cm so với năm ngoái. Còn ở trạm Châu Đốc trên sông Hậu, mức lũ trên báo động 1, cao hơn 27 cm so với năm ngoái.

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp nào để phòng chống? - Ảnh 4.

Dự báo mùa lũ năm 2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trời mưa nhiều, đất càng bở rời, kết dính kém; cộng với lũ về, dòng chảy trên các sông tăng cao, chảy mạnh sẽ khiến tình trạng sụt lún, sạt lở đất gia tăng ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long trong những tháng cuối năm nay.

Giải pháp phòng chống sạt lở cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo ông Tăng Quốc Chính - Trưởng phòng Kiểm soát An toàn thiên tai, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai, nhằm ứng phó với hiện tượng sụt lún, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Cộng đồng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp "3 không, 1 hạn chế". 

Đó là không xây dựng, nâng cấp nhà cửa sát bờ sông và trên lòng sông kênh rạch; không khai thác trái phép cát trên sông; không chặt phá rừng ngập mặn ven biển.

Còn về hạn chế, cần hạn chế các phương tiện giao thông thủy đi với tốc độ cao trên sông, tạo sóng lớn tác  động vào ven bờ gây sạt lở.

Ngoài ra, ông Chính cũng khuyến cáo người dân cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sạt lở như vết nứt, lún trên mặt đường ven sông, tường nhà, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương và chủ động di dời đến nơi an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước