Tại những đoạn sạt lở, thân đê cao hàng mét đã bị trốc tới gốc, đến mức tàu thuyền từ kênh nội đồng có thể đi thẳng ra biển, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Trên đoạn kênh quốc phòng dài 4,5km của tỉnh Kiên Giang tiếp giáp với tỉnh Cà Mau, đã có 16 đoạn bị vỡ. Ít nhất 58 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Hàng trăm ha vuông tôm, đất sản xuất của người dân bị nước biển tràn vào.
Quá trình sạt lở đê biển Tây ngày càng phức tạp. (Ảnh: Dân trí)
Vào mùa này, gió Tây Nam đang hoạt động mạnh, nỗ lực cứu đê đã không theo kịp sóng gió. Khoảng hai tháng trước, chiều dài đê bị sạt lở là 1.200m. Tỉnh Kiên Giang chi gần 10 tỷ đồng để khắc phục, gia cố. Vừa ký duyệt xong, tình trạng sạt lở đã tăng lên gấp 2 lần với hơn 2.200m đê.
UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo xử lý khẩn cấp, khắc phục nhanh các đoạn đê bị vỡ. Tuy nhiên, hiện đang là giữa mùa mưa bão, nhiều đoạn rừng phòng hộ đã bị mất, khiến quá trình sạt lở ngày càng trở nên phức tạp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!