Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (thay thế Nghị định 132/2015) đang được lấy ý bổ sung quy định về nguồn thông tin dùng để làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy. Cụ thể, bên cạnh việc căn cứ để xử phạt vi phạm là chứng cứ do người có thẩm quyền phát hiện và xử lý, dự thảo Nghị định bổ sung 3 nguồn thông tin hình ảnh dùng làm căn cứ để xử lý hành chính đối với vi phạm đường thủy.
Cụ thể hình ảnh thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thu thập; hình ảnh thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cơ quan, tổ chức được giao quản lý khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm trật tự, ATGT đường thủy nội địa do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Hình ảnh vi phạm đăng trên phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình; mạng xã hội như facebook, zalo... có thể dùng để xử phạt vi phạm. Quy định trên nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, phù hợp với tình hình thực tế; góp phần công khai, minh bạch, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Năm 2017, Cục Đường thủy nội địa VN thí điểm xây dựng phần mềm quản lý vi phạm giao thông đường thủy VIWA Alert trên điện thoại di động và cung cấp miễn phí để người dân gửi hình ảnh (tự động hiển thị tọa độ, địa phận) vi phạm giao thông đường thủy xảy ra trên các tuyến đường thủy quốc gia. Sau khi nhận hình ảnh, Cục Đường thủy nội địa VN chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thanh tra đường thủy phụ trách địa bàn đến kiểm tra, làm rõ và xử lý theo quy định đối với trường hợp vi phạm. Có thời điểm, trung bình mỗi ngày hệ thống nhận được hàng chục thông tin gửi đến.
Xử lý hình sự có ngăn được "cát tặc"? VTV.vn - Hoạt động vào ban đêm, phân công hoặc thuê người giám sát lại hoạt động của lực lượng Công an để né tránh, bất chấp xử lý hình sự, "cát tặc" vẫn lộng hành tại ĐBSCL.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!