Ảnh vệ tinh chụp bão Mawar. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cơ quan này đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ siêu bão Mawar ngoài khơi Philippines. Nhận định mới nhất cho thấy bão ít có khả năng tác động đến Biển Đông. Chiều 27/5, siêu bão Mawar nằm ở vị trí 16,6N-132,2E, cách đảo Luzon của Phillippines khoảng 1000km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16-17, giật trên cấp 17.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong những ngày tới, siêu bão Mawar sẽ di chuyển theo hướng Tây, tiến về gần phía đảo Luzon của Philippines.
Tuy không tác động trực tiếp đến biển Đông nhưng bão Mawar ảnh hưởng đến thời tiết trên biển nước ta. Từ ngày 27/5, mây giông đã phát triển trên khu vực từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa). Ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8.
Trong đêm 27 và ngày 28/5, ở khu vực từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và giông mạnh. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Ngoài ra, trong đêm 27 và ngày 28/5, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng cao từ 1.5-2.5m. Ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông từ chiều ngày 28/5 có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; biển động; sóng biển cao 2.0 – 3.0m.
Các cơ quan khí tượng dự báo, khi áp sát Philippines, bão Mawar sẽ gây mưa rất lớn, đi kèm lũ lụt, sạt lở đất, gió giật mạnh cho phía bắc đảo Luzon từ tối ngày 28/5 hoặc sáng 29/5. Bão cũng gây mưa lớn cho phần còn lại của Philippines.
Trước đó, bão Mawar khi quét qua đảo Guam, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ, đã làm bật gốc cây, thổi bay nhiều phương tiện và mái nhà. Hơn 3.000 hành khách bị mắc kẹt tại sân bay Guam. Đây được xem là cơn bão lớn nhất trong 20 năm nay ở đảo này.
Gió xé toạc mái nhà kho khi cơn bão Mawar đổ bộ vào đảo Guam, ngày 24/5. (Ảnh: Sean13213341/Twitter)
Bão Mawar mang theo gió lớn ở vịnh Tumon, đảo Guam, ngày 24/5. (Ảnh: EarthUncutTV)
Cơ quan Khí tượng quốc gia Guam dự báo, Mawar sẽ duy trì cấp độ siêu bão, với sức gió mạnh trên 241 km/h, trong 2 ngày tiếp theo trước khi nó suy yếu.
Sau khi đổ bộ Philippines, nhiều khả năng Mawar sẽ đổi hướng, di chuyển về hướng Bắc hoặc Đông Bắc. Cơn bão sau đó có thể ảnh hưởng tới Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bão Mawar là cơn bão thứ 2 hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong mùa bão năm 2023. Theo các chuyên gia, việc siêu bão xuất hiện ngay từ đầu mùa cho thấy, mùa bão năm nay có thể bất thường, trái quy luật.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ tháng 6 đến tháng 8/2023 có khoảng 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Từ tháng 9 đến tháng 11/2023, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông dự báo khoảng 4-5 cơn và tác động chủ yếu đến khu vực Trung Bộ.
Hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung chủ yếu vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!