Tại các khu vực dân cư ở TP.HCM, người dân còn ít biết tới việc sử dụng ứng dụng trong phòng dịch. Chính vì vậy, mỗi phường xã đã thành lập ít nhất 1 đội hình tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn, cài đặt ứng dụng Bluezone lên điện thoại di động và kích hoạt kết nối Bluetooth của thiết bị. Người dân rất hào hứng khi thấy ứng dụng dễ hiểu, dễ sử dụng, đặc biệt là giúp phát hiện F0.
Bà Lê Thị Kim Thu, quận 11, TP.HCM chia sẻ: "Đi đâu là lo lắng không biết đó có bệnh hay không. Tôi thấy app này rất hay".
Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, khi người dùng có tiếp xúc, ứng dụng Bluezone trên điện thoại của họ sẽ tự "giao tiếp" với nhau. Nếu có tiếp xúc gần trong khoảng cách 2m, thiết bị sẽ tự động ghi nhận, kể cả khi điện thoại đặt trong túi, tắt màn hình. Vì sử dụng công nghệ định vị Bluetooth nên vấn đề bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng ứng dụng được Bộ TT&TT rất chú trọng.
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết: "Chỉ đến khi xuất hiện ca nhiễm F0, sau khi xác minh, cán bộ y tế sẽ gửi thông tin tiếp xúc cảnh báo đến tất cả những người đã tiếp xúc ca nhiễm này. Toàn bộ quá trình lịch sử tiếp xúc của người dân sẽ được bảo mật".
Ứng dụng Bluezone giống như chiếc "khẩu trang điện tử" bảo vệ cho mỗi người giúp giảm thiểu các nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Theo tính toán, nếu 1 người cài đặt Bluezone cho 3 người khác thì chỉ trong khoảng 3 tuần, hầu hết người dùng sẽ được hệ thống bảo vệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!