Tỉnh Sơn La vừa tổ chức Hội nghị Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 với chủ đề: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Sự kiện được tổ chức ngày 9/10 do Ban Chỉ đạo 1168 tỉnh Sơn La chủ trì nhằm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia của tỉnh.
Hội nghị đã tập trung tham luận, đánh giá kết quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh với các chủ đề về: Giải pháp triển khai Đề án 06 trong thời gian tới; kết quả hỗ trợ triển khai tắt sóng 2G trên địa bàn tỉnh; kết quả triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia tại thành phố Sơn La; một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới, tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi "Tìm hiểu, tuyên truyền về chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2024" và Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu công tác cải cách hành chính tỉnh Sơn La". Tặng bằng khen cho 2 tập thể có thành tích xuất sắc trong tham gia Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu công tác cải cách hành chính tỉnh Sơn La".
Đáng chú ý, theo số liệu đưa ra tại hội nghị, sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng cơ bản để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Các lĩnh vực về chuyển đổi số đã được các cấp, các ngành triển khai khá đồng bộ, trong đó đã tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, năm 2024, tỉnh Sơn La quyết tâm thực hiện chuyển đổi số với trọng tâm là số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi. Tập trung huy động nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện trên ba trụ cột: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Các đại biểu thăm quan các gian hàng.
Theo thống kê, đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Sơn La đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã.
Tổng số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 1.886 dịch vụ; trong đó, có 312 dịch vụ công trực tuyến một phần, 1.554 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Toàn tỉnh hiện đang duy trì hoạt động của 2.448 Tổ chuyển đổi số cộng đồng, với 15.101 thành viên; tính đến quý III/2024, đã tổ chức hướng dẫn nhân dân toàn tỉnh kích hoạt thành công 539.304 tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2; tỷ lệ số hộ có điện thoại thông minh đạt 96,36%...
Công tác Chuyển đổi số ở nước ta từ khái niệm mới, nay đã trở thành xu thế tất yếu và tác động trực tiếp lên đời sống của mỗi người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La thường xuyên tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2024; Ban Chỉ đạo 1168 tỉnh đã phát động Cuộc thi "Tìm hiểu, tuyên truyền về chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2024"…Sau 3 tháng triển khai, đến ngày 30/8, Ban tổ chức cuộc thi nhận được 307 tác phẩm dự thi, qua rà soát, có 298 tác phẩm đạt yêu cầu; Ban tổ chức đã đánh giá và công nhận 21 tác phẩm của 3 tác giả và 18 nhóm tác giả đoạt giải, gồm: 4 tác phẩm đoạt giải nhì, 8 tác phẩm đoạt giải ba và 9 tác phẩm đoạt giải khuyến khích.
Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính ông Hoàng Quốc Khánh – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông mạnh mẽ về chuyển đổi số; làm tốt công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cơ bản, tạo và duy trì thói quen sử dụng công nghệ số cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý và các nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh; đầu tư hạ tầng, cung cấp dịch vụ viễn thông cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân tại các vùng đặc biệt khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung đẩy nhanh quá trình xây dựng, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thúc đẩy phát triển kinh tế số; đề xuất đưa một số chỉ tiêu quan trọng về chuyển đổi số vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm để giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!