Sốt co giật ở trẻ em: Khi nào nguy hiểm?

Tuệ Diễm-Thứ sáu, ngày 16/12/2022 15:36 GMT+7

Trẻ sốt cao được gia đình đưa đi khám tại BVĐK Tâm Anh TP Hồ Chí Minh. Ảnh Tuệ Diễm.

VTV.vn - Khi thấy con sốt cao co giật, chị Thương sợ hãi ngất đi, sau đó bé được người nhà sơ cứu bằng cách nhỏ chanh vào miệng, bé bị tím tái.

Chị Trần Thị Thương (26 tuổi, TP Hồ Chí Minh), có con đầu lòng 10 tháng tuổi. Cách đây nửa tháng, con chị bị sốt và lên cơn co giật. Lần đầu chứng kiến cảnh con bị co giật, chị hoảng sợ ngất đi, bé được người thân và hàng xóm sơ cứu bằng cách vắt chanh vào miệng. Bé khóc và tím tái.

Sau khi tỉnh lại người mẹ rất lo sợ, chị cũng tìm hiểu việc vắt chanh vào miệng bé đang co giật tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên đã đưa đến bệnh viện địa phương kiểm tra. "Bé được chẩn đoán sốt siêu vi. Sau co giật, tình trạng bé đã ổn định, nhưng bố mẹ thì được phen hú vía", chị Thương kể.

Trước đó, chị Thương đưa bé từ TP Hồ Chí Minh về quê Bình Thuận chơi. Chuyến đi xa cùng sự thay đổi môi trường sống, sốc nhiệt, khiến bé nhiễm bệnh. Buổi sáng bé hơi ấm nhẹ, ăn uống vui chơi bình thường, khi mẹ đang nấu cơm trưa thì con bị co giật.

PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, khi trẻ trẻ bị co giật, phụ huynh không nên vắt chanh vào miệng trẻ. Đây là mẹo chữa lưu truyền trong dân gian, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì nước cốt chanh có axit là một yếu tố kích thích phản xạ co thắt thanh môn. Trẻ nhỏ có thể tím tái do đóng nắp thanh môn, hoặc hít sặc nước cốt chanh vào phổi gây viêm phổi.

Ngoài ra, PGS Trụ cũng cho biết, một số "mẹo" hạ sốt cho trẻ đang được phụ huynh ứng dụng rộng rãi nhưng không có cơ sở khoa học, cần loại bỏ. Như tắm rượu hoặc cồn có nguy cơ gây ngộ độc, tổn thương da, tăng nguy cơ mất nước; đắp lá, thoa chanh, tắm các lá cây dân gian gây nguy cơ viêm da; ủ ấm khiến trẻ có nguy cơ tăng thân nhiệt. Ngoài ra, các biện pháp trên cũng ảnh hưởng đến quá trình theo dõi nhiệt độ, theo dõi tình trạng bệnh cũng như hạ sốt cho bé không chính xác, có thể không phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng hoặc các biến chứng kèm theo của trẻ.

Theo PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, trường hợp bé con của chị Thương khi trẻ đang co giật điều quan trọng cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải giữ bình tĩnh sau đó thực hiện cách sơ cứu đúng: đặt trẻ nằm nghiêng một bên, không cho gì vào miệng bé, nhét thuốc hạ sốt Paracetamol vào hậu môn theo hướng dẫn 15mg/kg/lần. Sau đó cởi bỏ bớt quần áo để trẻ dễ thở đồng thời tiến hành nhúng khăn vào nước ấm, vắt ráo lau 2 nách, 2 bẹn, trán và lau khắp cơ thể. Ngưng lau mát khi đo nhiệt độ trẻ hạ dưới 38 độ C. Sau khi sơ cứu phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra nguyên nhân trẻ bị sốt và phòng tránh cơn co giật tái phát.

Bác sĩ Huy Trụ lưu ý, trẻ có nhiệt độ 37,5 độ C- 38 độ C được xem là sốt nhẹ. Mức sốt vừa (38-38,5 độ C), cơ thể trẻ có thể chịu đựng được. Sốt cao (từ 39 đến 40 độ C) trên 40 độ C là sốt rất cao.

Hiện tượng co giật do sốt thường gặp ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi. Nhiệt độ gây co giật hay gặp khi trẻ sốt trên 39 độ C. Tuy nhiên, một số trẻ hệ thần kinh nhạy cảm chỉ cần trên 38 độ C cũng có thể xuất hiện cơ co giật.

Sốt là một phản ứng của cơ thể nhằm chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài như virus, vi khuẩn. Về cơ bản, sốt là biểu hiện có lợi cho cơ thể. Nguyên nhân dẫn đến sốt cao gây co giật thường do trẻ nhiễm bệnh vi khuẩn, virus tấn công như: viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa, sốt phát ban, yếu tố gia đình, yếu tố do gen...

Tùy thuộc vào mức độ mà co giật do sốt chia thành 2 dạng lâm sàng cơ bản: co giật sốt đơn thuần, co giật sốt phức tạp kéo dài >15 phút, xuất hiện co giật nhiều hơn 1 lần trong vòng 24 giờ.

Phụ huynh cần nhận biết dấu hiệu trẻ bị co giật biểu hiện: thể tăng trương lực cơ thân mình, mất cảm giác ở chân, tay, miệng, và co giật trong một thời gian nhất định. Thời gian co giật khoảng vài chục giây đến vài phút và thường chỉ co giật một cơn trong một đợt bệnh. Ngoài cơn co giật, trẻ hoàn toàn bình thường. Những trường hợp này thường lành tính, tiên lượng tốt và không cần điều trị đặc hiệu. Nhưng có khi sốt co giật là triệu chứng cảnh báo trẻ mắc bệnh liên quan viêm não, viêm màng não. Đây cũng là triệu chứng đầu tiên chứng động kinh, cần đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Huy Trụ khuyên phụ huynh, khi con sốt từ 37,5 độ C cần quan sát trẻ và theo dõi nhiệt độ, cứ 30 phút tiến hành đo thân nhiệt/lần. Tốt nhất mỗi gia đình có trẻ nhỏ cần trang bị ít nhất 2 thiết bị theo dõi nhiệt độ cơ thể để so sánh, đối chiếu, trường hợp hỏng hóc có sản phẩm dự phòng thay thế dùng được ngay.

Event

Vào lúc 20h, thứ 6 ngày 16/12, BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: Sốt ở trẻ, khi nào nguy hiểm?

Chương trình có sự tư vấn trực tiếp từ PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ - Trưởng khoa Nhi, BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, bác sĩ khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP Hồ Chí Minh. Mời phụ huynh theo dõi chương trình để trang bị kiến thức đúng, xử trí kịp thời khi trẻ bị sốt. Mọi thắc mắc, lo lắng khi con bị sốt phụ huynh cần tư vấn có thể gửi câu hỏi tại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước