Vết mò đốt bên hông bệnh nhân. Nguồn ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 14/11, TTƯT.PGS.TS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao đến 40 độ C, có lúc sốt nóng, lúc sốt rét, đặc biệt đau đầu dữ dội, buồn nôn, mệt mỏi, không ăn uống được.
Thăm khám, bác sĩ phát hiện một vết loét bên hông phải, hình bầu dục, xung quanh có quầng đỏ, nghi ngờ do sốt mò. Qua kết quả xét nghiệm máu, chụp CT phổi, chọc dịch não tủy, bác sĩ chẩn đoán bà Quý bị sốt mò kèm theo viêm phổi, may mắn chưa biến chứng thành viêm màng não. Khai thác tiền sử gia đình, bà Quý cho biết 3 năm trước chồng bà cũng từng mắc bệnh này, nhà có vườn rộng, cây cối um tùm.
Phó Giáo sư Hạnh cho biết với bệnh nhân sốt mò, thông thường nếu phát hiện kịp thời và dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu thì trong 48-72h có thể hết sốt. Nhưng bệnh nhân này sốt mò để lâu đã biến chứng thành viêm phổi, suy hô hấp nên phải điều trị kháng sinh từ 7-10 ngày, kết hợp thở oxy gọng kính. Sau 2 ngày, bà Quý cắt được sốt, sau 7 ngày sức khỏe ổn định, hết sốt, vết loét khô, ăn uống ngon miệng, được xuất viện. Bác sĩ dặn dò bà về dọn dẹp vườn tược, phun thuốc diệt côn trùng để phòng ngừa nguy cơ sốt mò tái diễn.
Trước đó bà Quý phát hiện bên hông trái có nốt nhỏ như vết muỗi đốt, sau đó sốt cao, đau nặng đầu. Đến bệnh viện gần nhà, bà được chẩn đoán sốt xuất huyết nhưng điều trị không thuyên giảm. Bệnh ngày càng nặng nên phải nhập viện khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội điều trị.
PGS Hạnh khám phổi cho bà Quý. Nguồn ảnh: Bệnh viện cung cấp
Phó Giáo sư Hạnh cho biết sốt mò hay còn gọi là sốt ve mò, do vi khuẩn Orientia tsutsugamushi gây ra. Bệnh lây sang người qua vết cắn của ấu trùng mò. Hiện sốt mò có mặt ở hầu hết tỉnh thành phía bắc, chủ yếu gặp ở nông thôn, hiếm thấy ở thành thị. Vết mò đốt thường ở những vùng da mềm, ẩm như cổ, nách, bẹn, hông lưng, thậm chí đã có trường hợp vết đốt ở bộ phận sinh dục. Ban đầu vết đốt chỉ nhỏ bằng hạt đỗ, không đau nên người bệnh thường không chú ý. Sau vài ngày bắt đầu phát bệnh với triệu chứng sốt cao kéo dài 15-20 ngày, thậm chí cả tháng. Vết đốt sau đó sẽ đóng vảy nâu, xung quanh có quầng đỏ hồng.
Chẩn đoán sốt mò không quá khó khăn, nhưng nhiều trường hợp bác sĩ không nghĩ đến bệnh, không tìm và quan sát được vết loét dễ dẫn tới bỏ sót. Bệnh tương đối ít gặp, biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh do côn trùng đốt khác như muỗi, bọ chét, kiến… Đặc biệt hiện tại đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, sốt mò có thể nhầm với sốt xuất huyết do đều có sốt và có triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc. Hai bệnh điều trị với phác đồ thuốc hoàn toàn khác nhau, nên rất nguy hiểm nếu chẩn đoán không kịp thời.
"Sốt mò không điều trị kịp thời, đúng thuốc, sốt kéo dài có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, suy hô hấp cấp, suy tim cấp, có thể tử vong", Phó giáo sư Hạnh nói.
20h thứ Ba ngày 14/11, các bác sĩ khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội tư vấn trực tuyến về chủ đề "Bệnh phổi mùa đông: Viêm phổi, hen suyễn, xơ phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính".
Chương trình có sự tham gia của hai chuyên gia hô hấp đầu ngành: TTND.GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Tổng Giám đốc chuyên môn BVĐK Tâm Anh, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam và TTƯT.PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam.
Độc giả gửi câu hỏi cho chuyên gia tại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!