Sức mua giảm, làng nghề lo Tết

VTV Digital-Thứ tư, ngày 10/01/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sức mua giảm, các làng nghề truyền thống với các mặt hàng quen thuộc trong ngày Tết đã và đang tìm nhiều cách để đa dạng hóa sản phẩm cũng như mở rộng thị trường.

Nỗi lo của người làm nghề sản xuất hàng Tết

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Rất nhiều các hoạt động đời sống, hoạt động sản xuất đang được thực hiện với không khí khẩn trương, hối hả để sẵn sàng đón xuân mới. Tại nhiều làng nghề truyền thống, việc sản xuất, kinh doanh cũng đang dần bước vào thời gian cao điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh không khí tấp nập, khẩn trương vẫn có những nỗi lo của người dân làm nghề sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết vì sức mua năm nay có xu hướng giảm.

2 tấn cá chép cho ngày ông Công, ông Táo rực một sắc đỏ đẹp tuyệt vời nhưng người nuôi là anh Trần Văn Thủy (Nam Định) lại vẫn đứng ngồi trên đống lửa.

Sức mua giảm, làng nghề lo Tết - Ảnh 1.

"Năm nay đơn đặt ít lắm. Năm ngoái tầm này là nhiều người đặt rồi. Nuôi ra là cũng sốt ruột. Không bán được là nguy hiểm" – anh Thủy nói.

Mặt hàng đặc biệt cho ngày Tết không bán được phải bỏ. Vậy nên, khi đơn chưa về, tiền cọc chưa cầm tay thì nỗi lo mỗi ngày một lớn nhất là khi năm nay, giá cá có xu hướng giảm trong khi giá cám nuôi lại tăng nhanh.

Hai tháng này, cá đã được gom vào lồng quây, anh Thủy buộc phải tăng lượng thức ăn tự nấu thay vì cám viên ăn sẵn.

Sức mua không lớn, người làng nghề lo Tết cũng là tình trạng chung của làng cây cảnh nổi tiếng Vị Khê.

Sức mua giảm, làng nghề lo Tết - Ảnh 2.

"Năm nay bán hàng chậm lắm. Mọi năm chỗ này như cái chợ ấy mà năm nay thì bình bình. Mọi năm thì phải lách lách đi chứ năm nay quang lắm" – một người bán cây cảnh chia sẻ.

Khu vực đổ buôn hoa, cây cảnh của làng chỉ thưa thớt những chuyến xe đóng hàng dù theo những người buôn bán tại đây, sức mua đã tăng hơn tháng trước.

Sản phẩm làng nghề truyền thống khó khăn bán hàng online

Sức mua giảm, các làng nghề truyền thống với các mặt hàng quen thuộc trong ngày Tết đã và đang tìm nhiều cách để đa dạng hóa sản phẩm cũng như mở rộng thị trường, tiếp cận nhiều hơn với các đối tượng khách hàng khác nhau ngay trong dịp Tết này. Tuy nhiên, việc bán hàng online hay đưa sản phẩm lên gian hàng trực tuyến vẫn còn gặp khó vì tính đặc thù của các sản phẩm làng nghề truyền thống cũng như tâm lý người mua, người bán.

Những xưởng đúc đồng truyền thống tại huyện Ý Yên, Nam Định tháng sát Tết này đỏ lửa. Sản phẩm làng nghề truyền thống nhưng hình thức bán hàng đã được đổi mới, từ những cửa hàng trưng bày cỡ lớn đến việc quảng bá, bán hàng trên các nền tảng trực tuyến.

Sức mua giảm, làng nghề lo Tết - Ảnh 3.

Theo quản lý của một cơ sở, tỷ lệ bán hàng online mới chiếm khoảng 20% doanh số bán hàng và chủ yếu tập trung ở các sản phẩm trang trí, quà tặng. Còn với các sản phẩm thủ công có tính chất đặc trưng thì người mua vẫn có tâm lý trực tiếp lựa chọn.

Đến tận nơi, xem tận mắt cũng là tâm lý của người mua với các sản phẩm cây cảnh của làng nghề Vị Khê.

Làm tại chỗ, bán tại chỗ vẫn là hình thức kinh doanh chính của ông Nguyễn Văn Diện với vườn cây cảnh có tiếng của mình.

Quen với cách bán truyền thống để khách hàng có thể sờ tận tay, xem tận mắt vẻ đẹp của sản phẩm nên những nghệ nhân làm vườn như ông Diện, dù lo lắng vì sức mua giảm ngay trong dịp Tết nhưng việc mở rộng thị trường, tăng thêm lượng khách hàng thông qua hình thức bán hàng trực tuyến vẫn không phải là phương án được nghĩ tới.

Hiện, các chủ vườn cho biết, chỉ có một số sản phẩm cây nhỏ được các đầu mối đến quay chụp, bán hàng. Còn việc để có thể phát triển, phân phối những mặt hàng làng nghề theo hướng số hóa có lẽ sẽ cần thời gian nhiều hơn một cái tết để dung hòa đặc thù sản phẩm với xu hướng bán hàng trực tuyến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước