Năm 2022, thống kê số lượng bệnh nhân chạy thận nhân tạo là trên 31.000 người và lọc màng bụng là 2000 người. Đây thực sự là một gánh nặng về kinh tế cho những gia đình có người không may mắc bệnh Suy thận mạn giai đoạn cuối, vì ước tính trung bình mỗi bệnh nhân phải chi trả 100 - 150 triệu đồng/người/năm.
Nguyên nhân dẫn tới suy thận giai đoạn cuối theo Y văn là đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tại thận… Nhưng chiếm đa số, khoảng 40% trường hợp suy thận giai đoạn cuối là do đái tháo đường, tùy quốc gia châu lục dao động là 20-60%. Một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 sẽ tiến triển tới giai đoạn xuất hiện albumin niệu và suy giảm chức năng thận.
Theo nghiên cứu và thống kê của BMJ Global Health, 15 năm sau chẩn đoán mắc đái tháo đường, 38% bệnh nhân sẽ tiến triển Albumin niệu, 28% tiến triển Bệnh thận mạn có mức lọc cầu thận <60 mL/p/1,73 m2. Đây là mức suy thận giai đoạn 3 - 5, khi mà bác sĩ phải hết sức lưu ý điều trị cho người bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân có mức lọc cầu thận hoặc Protein niệu tại khu vực châu Á năm 2022 là trên 7,2 triệu người. Tại Việt Nam, thực tế là cứ 10 bệnh nhân đái tháo đường có 3 bệnh nhân đã xuất hiện albumin niệu. Mức độ albumin niệu càng cao, nguy cơ biến cố tim mạch và bệnh thận của bệnh nhân càng cao. Có một nguy cơ 2 chiều, đó là suy tim có khả năng tăng nguy cơ bệnh thận mạn gấp 2 lần và ngược lại, bệnh thận mạn có khả năng tăng nguy cơ suy tim lên >2 lần.
Hiện nay, việc chẩn đoán & điều trị sớm bệnh thận mạn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do người bệnh thường không có triệu chứng ở những giai đoạn sớm; các xét nghiệm eGFR, ACR… không được sử dụng tối ưu để đánh giá bệnh thận mạn. Thuốc điều trị dự phòng tiên phát bệnh thận mạn chưa có, mà thuốc điều trị bệnh thận mạn cũng rất hạn chế… Đa số người bệnh đái tháo đường, tim mạch lại không hiểu rõ về nguy cơ bệnh suy thận của mình.
Biến chứng thận, tim mạch là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở người bệnh đái tháo đường. Người bệnh suy thận thường tử vong vì bệnh lý tim mạch hơn là suy thận mạn giai đoạn cuối. Bệnh nhân thường chỉ được phát hiện vào giai đoạn muộn, khi không còn giải pháp điều trị hữu hiệu nào, các biện pháp thay thế thận như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận… được triển khai. Các biến chứng thận xảy ra sớm ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, cho thấy sự cần thiết phải quản lý sớm các nguy cơ về thận. Chẩn đoán và điều trị sớm là giải pháp duy nhất làm chậm và ngăn ngừa diễn tiến xấu này.
80.3% bệnh nhân có nguy cơ cao bệnh thận mạn là người bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp không được thực hiện các xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán bệnh thận theo khuyến cáo của guideline. Trong số những người được chẩn đoán bệnh thận giai đoạn 1-3, tỷ lệ bệnh nhân hiểu biết về tình trạng bệnh của mình còn thấp. Trong cộng đồng, nhận thức về bệnh thận mạn thấp hơn so với các bệnh nguy hiểm khác như đái tháo đường, COPD, suy tim…
Hiệp hội THA, Tim mạch, Đái tháo đường quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam đều có chung khuyến cáo: Cần tầm soát biến chứng thận cho người bệnh đái tháo đường tuýp 1 sau 5 năm và người bệnh đái tháo đường tuýp 2 ngay khi chẩn đoán. Tỷ số A/C niệu là xét nghiệm tầm soát hiệu quả nhất. Tầm soát và đánh giá lại tối thiểu 6-12 tháng một lần. Bệnh nhân có tỷ số A/C > 30mg/g và/hoặc eGFR < 60mL/ph/1,73m2 được định nghĩa là bệnh thận do đái tháo đường và cần theo dõi sát hơn, 6 tháng/lần.
Những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc có bệnh tim mạch, tiền sử viêm thận cấp hay tiền sử gia đình mắc bệnh thận, người trên 60 tuổi, béo phì có chỉ số BMI >30 là những đối tượng cần được tầm soát bệnh thận mạn.
Bệnh thận mạn là một căn bệnh nguy hiểm hàng đầu, nhưng vẫn có thể quản lý bằng việc thay đổi lối sống, điều trị rối loạn mỡ máu, kiểm soát đường huyết, huyết áp, giảm nguy cơ tim mạch và nguy cơ suy thận mạn giai đoạn cuối. Những thông tin mới nhất, cập nhật các phác đồ điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và đặc biệt là điều trị người bệnh thận đái tháo đường sẽ được 3 chuyên gia đầu ngành:
- TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học- BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh
- ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều - Trưởng Khoa Nội tim mạch 1 - TT Tim mạch - BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh
- ThS.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm - Khoa Nội tiết Đái tháo đường - BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh
sẽ chia sẻ với cộng đồng, đặc biệt là những người bệnh và gia đình quan tâm đến các bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp và suy thận trong chương trình Tư vấn sức khỏe: Từ đái tháo đường - tim mạch đến suy thận. Mọi thắc mắc liên quan, quý khán giả có thể đặt câu hỏi qua bình luận tại bài viết này, hoặc gởi câu hỏi trực tiếp trong chương trình livestream lúc 20h00 thứ Năm, ngày 6/10/2022 để được các chuyên gia tư vấn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!