Quy trình xử lý găng tay y tế đã qua sử dụng
Theo chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn, găng tay y tế thường được sử dụng trong chăm sóc bệnh nhân, xét nghiệm, thủ thuật phẫu thuật. Do vậy, trong găng tay y tế có tất cả virus, vi khuẩn và tất cả bệnh truyền nhiễm mà bệnh nhân mắc. Do đó, nguyên tắc găng tay y tế chỉ được phép dùng một lần và không được tái sử dụng, nếu sử dụng sẽ lây nhiễm chéo cho các bệnh nhân khác.
Ở các bệnh viện, găng tay y tế được xếp là rác thải nguy hại, được bỏ riêng vào thùng màu vàng, ghi tên khoa - phòng trên túi rác; ghi tên ngày, giờ túi rác phát sinh ra, sau đó được đưa xuống nhà thu gom rác chung của bệnh viện. Hàng ngày, công ty môi trường đô thị sẽ thu gom đưa về khu vực xử lý chung của TP.HCM.
Găng tay y tế chỉ được phép dùng một lần và không được tái sử dụng, nếu sử dụng sẽ lây nhiễm chéo cho các bệnh nhân khác vậy nhưng, trên thực tế, thời gian qua, hàng trăm triệu găng tay y tế đã qua sử dụng đã được thu gom và tái chế như mới để quay lại thị trường tiêu thụ.
Găng tay đã qua sử dụng được phù phép thế nào?
Những chiếc găng tay y tế đã qua sử dụng đáng lẽ phải được tiêu hủy theo đúng quy trình rác thải y tế nguy hại. Nhưng chúng lại đang nằm tại Kho của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển y tế Trường Thọ có trụ sở tại phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM.
Lực lượng chức năng đã phát hiện 32 công nhân đang phù phép găng tay y tế đã qua sử dụng bằng cách đập, vuốt, kéo giãn xong mới đưa đến khu vực đóng hộp và dán nhãn trước khi đưa ra thị trường. Qua kiểm đếm, có 2.370 thùng găng tay đã đóng gói sẵn, tương đương hơn 2,3 triệu chiếc găng tay giả.
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng qua, các lực lượng chức năng của TP.HCM, Bình Dương đã triệt phá hàng chục đường dây sản xuất, tái chế găng tay y tế đã qua sử dụng với quy mô lớn, thu giữ hàng chục triệu chiếc găng tay y tế đã qua sử dụng cùng nhiều tài liệu, phương tiện, máy móc liên quan. Theo các bác sĩ về kiểm soát nhiễm khuẩn, việc tái chế găng tay y tế đã qua sử dụng như thế này là cực kỳ nguy hiểm.
Không chỉ những người sử dụng găng tay y tế đã qua sử dụng có nguy cơ lây nhiễm mà chính những người đang làm thao tác "phù phép" kia sẽ có nguy cơ lây nhiễm nhiều nhất và có thể chính từ những công nhân này sẽ là những ổ dịch có thể lây lan ra cộng đồng.
Nguy cơ từ găng tay y tế đã qua sử dụng
Trong y tế thường sử dụng 2 loại găng tay cao su:
+ Loại mỏng, các y tá, bác sĩ thường dùng vào việc tiêm, xét nghiệm;
+ Loại dày hơn dùng trong phẫu thuật, điều trị bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm vì vậy nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng hơn. Cụ thể:
- Gây độc gen, gây độc tế bào;
- Có chứa độc chất, hóa chất độc hại;
- Có tính ăn mòn;
- Có tính phóng xạ (đối với các cơ sở có xạ trị);
Trong đó, chất thải y tế lây nhiễm cơ thể chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm như: Tụ cầu, HIV, viêm gan B. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua các hình thức qua da (vết trầy xước, vết đâm xuyên hoặc vết cắt trên da), qua các niêm mạc (màng nhầy), qua đường hô hấp (do xông, hít phải), qua đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải).
Đặc biệt, việc găng tay y tế đã qua sử dụng còn có thể chứa Salmonella, Coliform, Tụ cầu, Liên cầu. Vì vậy, nước thải thoát ra môi trường thông qua việc xúc rửa có nguy cơ gây ra một số bệnh như: tiêu chảy, lỵ, tả, thương hàn, viêm gan A là rất cao.
Quy trình xử lý rác thải y tế, trong đó có găng tay đã qua sử dụng hết sức chặt chẽ, khắt khe. Vậy nhưng không hiểu bằng cách nào, các đối tượng ngoài xã hội vẫn có thể thu gom được hàng tấn găng tay y tế đã qua sử dụng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì tình trạng tái chế, mua bán găng tay y tế bẩn đang tiềm ẩn nhiều mầm bệnh đối với toàn xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!