Tái diễn những nội dung "bẩn" bất chấp câu view trên mạng xã hội

Phương Anh-Thứ tư, ngày 20/11/2024 13:45 GMT+7

VTV.vn -Mặc dù đã có những biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời nhưng những video có nội dung bẩn bất chấp câu like câu view vẫn tràn lan.

Việt Nam có 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội tương đương với 73,3% tổng dân số, theo thống kê vào tháng 1 năm 2024. Tuy nhiên, không phải người dùng mạng xã hội nào cũng mang tới những thông tin tích cực và có chọn lọc.

Thời gian qua, trên mạng xã hội vẫn liên tiếp xuất hiện những buổi phát trực tuyến (livestream) hay các video không có thật, gây phản cảm. Đây là cách 1 bộ phận người dùng mạng xã hội làm để câu view và đã phải nhận về nhiều sự chỉ trích. Trong tháng 12 tới đây, việc áp dụng Nghị định 147 của Chính phủ được kỳ vọng sẽ góp phần kiểm soát thực trạng này.

Một nam thanh niên vào phòng có người từng tự tử để livestream thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn mắt xem. Chỉ ít lâu sau đó, tài khoản mạng xã hội này đã bị nền tảng cấm.

Tái diễn những nội dung bẩn bất chấp câu view trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Mặc dù đã có những biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời, nhưng những video có nội dung "bẩn" bất chấp câu like câu view vẫn tràn lan với công thức cũ - gây sốc để nhận lại sự chú ý của người xem. Một ví dụ khác, trong không gian lớp học với sự xuất hiện của nhiều em học sinh, thế nhưng những nội dung mà video này truyền tải lại được nhiều người đánh giá là chưa phù hợp với không gian học đường.

Thứ 1 bộ phận người dùng mạng xã hội này quan tâm là lượt view và lợi nhuận, còn học sinh là người gánh hậu quả vì các em còn quá nhỏ để bảo vệ chính mình trên không gian mạng.

Tái diễn những nội dung bẩn bất chấp câu view trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: "Những phát ngôn thiếu chuẩn mực, hoặc những nội dung mô tả hoạt động giáo dục nhưng sai sự thực, ảnh hưởng đến đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, gieo vào đầu học sinh những tư tưởng lệch lạc thì là hành vi vi phạm pháp luật. Ít nhất là phạt hành chính 5-10 triệu đồng. Những thông tin giả mạo trường, ảnh hưởng uy tín cơ sở giáo dục thì người thực hiện hành vi này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với chế tài cao nhất 7 năm tù".

Trong tháng 12 tới đây, việc áp dụng Nghị định 147 của Chính phủ về: Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn sự xuất hiện của những thông tin phản cảm, xấu độc. Tại Nghị định 147, nhiều quy định cụ thể được áp dụng như: chỉ những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại chính chủ hoặc số định danh cá nhân mới được đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: "Người dùng MXH nghĩ mình vô danh trên mạng xã hội nên cũng không chịu trách nhiệm gì cả. Nên khi định danh thì ý thức người dùng có trách nhiệm cao hơn. Những quy định mới để mà điều chỉnh hành vi, để từ đó giữ được trật tự xã hội, an ninh quốc gia và chủ quyền quốc gia ở trên không gian mạng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước