Với bà con ngư dân trong nước, tình trạng tín dụng đen đang tái diễn khiến nhiều người lao đao. Thực tế này không phải là mới. Nhưng điều đáng nói, vay nóng vẫn diễn ra tràn lan ở các vùng biển, mặc dù 1 năm nay, Nghị định 67 đã mở ra những chính sách ưu đãi về tín dụng đối với ngư dân để phát triển nghề cá.
Vay tiền 60, 70 hay 80 là những cụm từ rất quen thuộc ở vùng biển. Nếu vay 1 triệu đồng tín dụng đen, tiền lãi phải trả một tháng dao động từ 60.000 - 80.000 đồng. Và chủ của những tín dụng đen này là ai?
Theo lời của nhiều ngư dân, đó có thể là những người gom tiền người khác rồi cho ngư dân vay để kiếm tiền chênh lệch trung gian. Đó cũng có thể là các vựa thu mua theo dạng thức cho ngư dân ứng vốn sau chuyến biển bán cá cho chủ vựa với mức giá mà chủ vựa đưa ra. Nhưng dù hình thức nào, ngư dân vẫn luôn là người chịu thiệt.
Nếu chuyến biển nào nhiều cá, được giá bán, may ra họ có thừa chút tiền trả lãi vay nóng. Ngược lại, lãi mẹ đẻ lãi con, ngư dân dễ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải rao bán tàu cá.
Trước tình trạng đó, câu hỏi mà lâu nay các địa phương ven biển luôn đặt ra vì sao ngư dân không tiếp cận vốn vay ngân hàng trong khi các ngân hàng đều cam kết sẵn sàng cho ngư dân vay vốn?
Một trong những nội dung của Nghị định 67 là giúp ngư dân nguồn vốn lưu động. Ngư dân được vay tối đa 70% chi phí chuyến khai thác với lãi suất 7%/năm nếu thỏa mãn điều kiện vay là những đối tượng hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể.
Nút thắt này đang được các địa phương tháo gỡ với đề xuất đưa ra là nên khoanh nợ có thời hạn để tiếp tục cho ngư dân vay vốn lưu động.
Phía các ngân hàng cũng cho rằng, điều quan trọng là ngư dân cần nắm rõ các điều kiện vay vốn lưu động theo Nghị định 67. Nhưng thực tế, đến lúc này, ở vùng biển, không phải ngư dân nào cũng nắm bắt được hết nội dung Nghị định 67.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!