Tạm cư không hẹn ngày trở về

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 28/12/2022 21:18 GMT+7

VTV.vn - Đi ở nhà tạm cư theo diện di dời khỏi các khu nhà nguy hiểm nhưng mười mấy năm trời, họ vẫn sống thấp thỏm trong tình trạng đi ở tạm để đợi mà không có ngày hẹn trở về.

Năm 2009, chung cư 148-150 Sơn Tây, quận Ba Đình, Hà Nội đã từng bị sập 1 phần khu nhà. 20 hộ dân sống tại đây đã phải di dời khẩn cấp trong đêm, chuyển về khu nhà tạm cư tại Đại Kim do thành phố Hà Nội quản lý để chờ phương án giải quyết.

Bà Dương Tú Anh cho biết đã 13 năm, kể nay từ sự cố nhà bị sập, bà và nhiều hộ dẫn vẫn phải sống tại khu nhà tạm cư thành phố Hà Nội bố trí ở tạm và không biết đến bao giờ mới có cơ hội trở về khu nhà cũ.

Còn khu chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội năm 2011 đã từng bị tòa nhà bên cạnh bỗng nhiên đổ sụp làm ảnh hưởng.

19 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp trong đêm để về khu tạm cư của thành phố ở tạm để chờ phương án giải quyết. Thế nhưng từ đó đến nay, vẫn không ai biết thông tin gì về việc hướng xử lý như thế nào.

Trong khi các hộ dân phải chuyển ra khỏi tòa nhà nguy hiểm, hàng ngày mong ngóng thông tin về ngôi nhà của mình thì chính tại các tòa nhà được xác định là nguy hiểm này, bên trong vẫn có các hộ dân dọn vào ở, tự ý cải tạo, quây tôn làm kho bãi bên trong. Và nguy hiểm sẽ còn tiếp tục rình rập cuộc sống của cả những người dân sống quanh những tòa nhà này bởi nó có thể sập bất cứ lúc nào không báo trước.

Đây không phải là câu chuyện hiếm gặp. Vẫn còn nhiều dự án trong diện di dời khẩn cấp người dân ra khỏi nhà nguy hiểm đến nay vẫn chưa triển khai. Những khu tạm cư của thành phố hiện nay là khu chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng; khu 148-150 Sơn Tây; khu G9A Thành Công di dời 16 hộ dân từ năm 2018 đến nay; khu nhà 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm bị đổ sập năm 2015, hơn 40 hộ dân phải di dời khẩn cấp đến khu tạm cư khu CT1 B Định Công từ năm 2015 đến nay; khu 7 nhà gỗ phường Chương Dương, quận Ba Đình, 35 hộ dân được đi dời đến khu tạm cư 67 Đức Giang, G9 Xuân Đỉnh, B5 Cầu Diễn từ năm 2007 đến nay. Và nhiều khu nhà khác nữa chủ đầu tư nhận cải tạo các khu nhà này theo diện cải tại nhà cũ nhưng đến giờ vẫn chưa triển khai.

Theo quy định, các chủ đầu tư sẽ phải trả tiền thuê nhà tạm cư cho các hộ dân ở trong lúc chờ dự án triển khai. Tuy nhiên theo thông tin từ công ty quản lý nhà Hà Nội, nhiều dự án vẫn không chịu nộp tiền thuê nhà tạm cư cho thành phố. Tổng số nợ hiện đang lên tới trên 130 tỷ đồng kéo dài nhiều năm.

Vướng mắc cải tạo nhà nguy hiểm buộc phải di dời khẩn cấp

Phần lớn các khu nhà này đều thuộc diện di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Để cải tạo các tòa nhà này, phương án được đưa ra là các hộ dân sẽ bàn giao nhà cho doanh nghiệp để thực hiện việc cải tạo. Người dân sẽ được tái định cư tại nơi ở cũ, doanh nghiệp xin nâng tầng để kinh doanh số căn hộ còn lại sau khi đã trả nhà cho các hộ dân cũ. Thế nhưng, một trong những lý do khiến các tòa nhà chưa thể xây dựng đó là do giữa người dân, doanh nghiệp và thành phố Hà Nội vẫn chưa thể có tiếng nói chung.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước