Tầng 2 điều trị COVID-19: Đông bệnh nhân nhất, tỷ lệ tử vong cũng cao nhất

Uyên Phương, Kim Xuân, Nam Việt, Văn Dương-Thứ ba, ngày 14/09/2021 20:48 GMT+7

VTV.vn - Để hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã cử hơn 13.700 nhân viên y tế, trong đó có các chuyên gia đầu ngành về hồi sức tích cực để đào tạo, hội chẩn điều trị các ca nặng.

Tính trung bình trong 7 ngày qua, mỗi ngày, Việt Nam ghi nhận hơn 12.500 ca mắc COVID-19 mới, cao nhất là ngày 7/9 với hơn 14.000 ca. Còn nếu tính riêng TP Hồ Chí Minh trong 10 ngày đầu tháng 9, với chiến dịch xét nghiệm diện rộng, số ca mắc mới mỗi ngày vẫn ở mức cao từ hơn 5.000 đến hơn 7.000 ca/ngày. Tuy nhiên, số ca tử vong có chiều hướng giảm hơn so với thời điểm trước.

Điều này được xác định một phần quan trọng là nhờ vào việc tập trung điều trị F0 ở tầng thấp và hiệu quả của vaccine. Dù chưa đạt kỳ vọng nhưng có thể thấy tín hiệu khả quan bước đầu của nỗ lực kéo giảm tử vong.

Tầng 2 điều trị COVID-19: Đông bệnh nhân nhất, tỷ lệ tử vong cũng cao nhất - Ảnh 1.

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 99.000 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà. 25.000 F0 tại các cơ sở cách ly tập trung quận/huyện. Trong hơn 39.000 bệnh nhân đang điều trị có hơn 2.900 trẻ em và 2.600 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Hiện TP đã có 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức cấp cứu với quy mô 5.000 giường hồi sức và 82 bệnh viện thuộc tầng điều trị thứ 2 với hơn 60.000 giường. Ngoài ra, TP còn có các bệnh viện dã chiến do quân đội quản lý.

Cùng với đó, lực lượng y tế tham gia điều trị có hơn 17.600 người. Trong đó, nhân lực hỗ trợ từ trung ương và các địa phương khác là hơn 13.700 người. Tất cả đang từng giờ từng phút giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Đặc biệt, suốt hơn 2 tháng qua, khi số ca mắc tăng, số bệnh chuyển nặng nhiều, bào mòn sức lực của đội ngũ y tế.

Trước áp lực hàng ngày mỗi bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, quản lý từ 140-150 bệnh nhân COVID-19, mỗi tua trực từ 8-10 tiếng, TP Hồ Chí Minh mới có văn bản yêu cầu các đơn vị trên địa bàn, khi đã rút nhân viên khỏi bệnh viện dã chiến, cần lập tức bổ sung nhân lực thay thế, bảo đảm quân số, tránh tạo áp lực lên các nhân viên còn lại.

Các đơn vị cần đảm bảo thời gian nghỉ sau ca trực, không để nhân viên y tế làm việc liên tục không có ngày nghỉ, đồng thời, hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào vị trí hành chính. Nếu thiếu nhân lực hành chính, đề nghị đơn vị bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên vào các vị trí hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính...

Điều chỉnh chiến lược điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh

Một trong những giải pháp để giảm áp lực đối với đội ngũ bác sĩ, giảm tỷ lệ tử vong là chăm sóc tốt bệnh nhân từ tuyến cơ sở. Sau một thời gian gặp nhiều khó khăn và lúng túng khi số ca mắc tăng cao, quá tải liên tục, hệ thống điều trị của TP Hồ Chí Minh đã dần bài bản hơn, phân tầng hợp lý hơn cùng những thay đổi kịp thời trong các hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế.

Tầng 2 điều trị COVID-19: Đông bệnh nhân nhất, tỷ lệ tử vong cũng cao nhất - Ảnh 2.

Từ việc hễ cứ dương tính là nhập viện, bây giờ, số ca F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà cao gấp đôi số bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Hơn 500 tổ y tế lưu động chăm sóc F0, các đường dây nóng hỗ trợ, túi thuốc an sinh v.v… Việc điều trị tại tầng 2 cũng được tổ chức tốt hơn, hình thành các mô hình quản lý điều trị hiệu quả.

Phân tích của lãnh đạo các bệnh viện tầng 2 tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh nhân COVID-19 trở nặng và tử vong trong thời gian qua là do số lượng bệnh nhân nhập viện quá lớn, nhân lực thiếu và chưa có kinh nghiệm về điều trị.

Sau khi tìm được nguyên nhân, Bộ Y tế và Sở Y tế TP đã thay đổi chiến lược điều trị. Theo đó, mô hình bệnh viện vệ tinh và bệnh viện tách đôi, liên viện đã được triển khai.

Bệnh viện TP Thủ Đức là một ví dụ khi thực hiện mô hình tách đôi, có khu vực điều trị riêng dành cho bệnh nhân COVID-19, khu vực còn lại vẫn điều trị các bệnh khác. Đồng thời, Bệnh viện TP Thủ Đức còn phụ trách 1 bệnh viện dã chiến và 5 khu cách ly khác với hàng nghìn bệnh nhân.

Như vậy, Bệnh viện TP Thủ Đức phải tính toán nguồn lực y tế đa chuyên khoa để phân bổ cho các tầng điều trị từ 1 đến 3. Tầng 1 là những khu cách ly, tầng 2 là bệnh viện dã chiến Bình Minh và tầng 3 chính là tại tổng hành dinh điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Ngay tại bệnh viện dã chiến tầng 2, theo phân bổ chỉ nhận bệnh nhân nhẹ nhưng nơi đây cũng đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân F0 đi kèm có bệnh nền. Do vậy, bệnh viện mở thêm các phòng về sản khoa và ung bướu. Ở tại khu vực này có đầy đủ máy móc, thuốc thang, đội ngũ bác sỹ đúng chuyên ngành để chăm sóc và chủ động điều trị kết hợp cho bệnh nhân.

Nâng chất lượng điều trị ở tầng thứ 2

Trên thực tế, không phải bệnh viện thuộc tầng 2 nào cũng có đủ nhân lực, trang thiết bị như Bệnh viện TP Thủ Đức. Đây cũng là tầng điều trị đông bệnh nhân nhất, nhiều ca chuyển nặng nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất vì thế cũng ngốn nhân lực và máy móc nhất.

Tầng 2 điều trị COVID-19: Đông bệnh nhân nhất, tỷ lệ tử vong cũng cao nhất - Ảnh 3.

Để hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã cử hơn 13.700 nhân viên y tế, trong đó có các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hồi sức tích cực để đào tạo và hội chẩn điều trị các ca nặng.

Mỗi ngày, bệnh viện dã chiến số 16 quản lý tiếp nhận từ 100-150 bệnh nhân nặng phải thở máy thậm chí phải mở nội khí quản ngay.

Với những nỗ lực của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đã có nhiều ca nặng, nguy kịch được cứu chữa và hàng nghìn trường hợp nặng được chuyển tầng.

Phân tích trên bệnh án cho thấy có 2 nhóm bệnh nhân chuyển biến nhanh là hội chứng của cơn bão cytokine là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập và những bệnh nhân bị tắc mạch phổi và mạch não, nhồi máu cơ tim.

Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã cử hơn 100 bác sĩ nội trú và chuyên khoa hồi sức tích cực, điều dưỡng xuống 10 bệnh viện tầng 2 để hỗ trợ, cầm tay chỉ việc, trực tiếp tham gia điều trị.

Nhóm chuyên gia trong về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn cũng đề xuất đối với các bệnh viện dã chiến chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị và biện pháp chống nhiễm khuẩn thì TP Hồ Chí Minh nên cân nhắc việc đóng cửa, tập trung nhân lực vào một số bệnh viện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước