Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 200.000 xe máy, xe đạp điện cùng hàng nghìn ô tô điện đang hoạt động. Tuy nhiên hạ tầng cho xe điện chưa được đầu tư tương xứng với sự gia tăng của loại hình phương tiện này. Bên cạnh những tiện ích của xe điện vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ từ chính hệ thống điện, pin của xe điện.
Nguyên nhân gây cháy, nổ của xe điện, trong các vụ cháy liên quan thường do sự chủ quan, lơ là của con người là yếu tố chính. Trong đó có việc sử dụng bình ắc quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất; lắp đặt thêm, thay thế thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế (lắp đặt thiết bị báo động, còi, đèn tăng công suất so với thiết kế của nhà sản xuất…), hoặc chở quá tải làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin, khi sạc điện sẽ gây hiện tượng ắc quy, pin bị phồng lên có thể gây cháy, nổ.
Bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại ở xe điện cũng là nguyên nhân gây ra cháy, nổ; mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt, có thể gây ra hiện tượng phóng điện hoặc chập điện, dẫn đến cháy.
Hiện trường vụ cháy cửa hàng kinh doanh xe máy, xe đạp điện tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội ngày 19/7/2023
Việc thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không bảo đảm đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc quy, pin của phương tiện khi sạc có thể gây chập điện hoặc nổ ắc quy, pin.
Việc sạc điện không đúng hướng dẫn: Sạc điện thời gian quá dài, tần suất sạc điện quá cao; sạc trong điều kiện nhiệt độ cao; sạc ngay sau khi sử dụng, ắc quy chưa kịp nguội tự nhiên; sạc gần nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt hoặc gần, bên trên các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ, đồng thời ắc quy, pin tự tỏa nhiệt mà không được thoát nhiệt cũng là nguyên nhân gây nổ ắc quy, pin, gây cháy.
Một số trường hợp do tác động ngoại cảnh cũng dẫn đến chập cháy như: Ổ sạc bị ẩm ướt, sạc nơi không thông thoáng để thiết bị có thể tản nhiệt; dây dẫn điện được đấu nối không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật hoặc sử dụng thời gian dài hay bị va đập, chuột cắn làm mất khả năng cách điện gây phóng điện, chập điện.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Nguyên Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết, cháy nổ thường đến từ các nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, không phải là không thể phòng tránh và hạn chế được. Đối với việc phòng chống cháy, nổ do xe điện, người dân cần lưu ý những điều sau.
Khuyến cáo để sử dụng xe điện an toàn
- Quá trình sạc, sử dụng xe điện lựa chọn hàng bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
- Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội, mọi người dân cần thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng; không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới.
- Bố trí sạc cho xe điện ở nơi khô ráo, thoáng mát bên ngoài khu vực để ở như sân, vườn…, đảm bảo điều kiện thông thoáng trong suốt quá trình sạc điện; nếu không phải có các biện pháp bảo ôn hoặc giảm nhiệt; không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình sạc cho xe điện để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố cháy, nổ. Tuyệt đối không sạc điện qua đêm hoặc khi không có người lớn ở nhà.
- Không tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc; không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ). Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.
Cũng theo các cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội cho biết, đối với xe ô tô điện, sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ô tô đã được cấp phép theo quy định (tại trạm xăng, điểm dừng nghỉ, trong nhà và công trình...) hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà (bộ sạc dự phòng di động) phải bảo đảm an toàn PCCC theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Các trạm sạc điện này phải được duy trì yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan đối với các khu vực xung quanh (cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khu vực gara để xe...) và trang bị phương tiện về PCCC theo quy định; có phương án xử lý tình huống cháy, nổ tại khu vực sạc điện.
Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống điện, phương tiện PCCC tại trạm sạc để kịp thời phát hiện, thay thế các thiết bị hư hỏng trong quá trình hoạt động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!