Khu vực Tây Bắc tiềm năng cung cấp khoảng 7.000 MW từ nguồn năng lượng gió mỗi năm. Hiện nguồn điện gió này đang được xem xét, bổ sung vào bản quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 - bản quy hoạch điện 8.
Tại trạm đo sức gió tại xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông,tỉnh Điện Biên, báo cáo trên cơ sở các công trình nghiên cứu về tiềm năng gió cho thấy, tất cả các điểm khảo sát đều cho mức gió vượt yêu cầu để triển khai các dự án năng lượng gió với tiềm năng lớn.
"Theo đánh giá tiềm năng của Viện Năng lượng, Điện Biên có tiềm năng phát triển điện gió với tổng công suất từ 2.500 - 3.000 MW. Đến nay, tổng công suất các nhà đầu tư dự kiến là 1.400 MW", ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên cho biết.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ riêng các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…khi khai thác tối đa tiềm năng thì mỗi năm ước tính, khu vực này sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 20 tỷ kWh từ nguồn điện gió. Theo ước tính, nếu 7 GW điện gió được đưa vào vận hành, sẽ đóng góp cho nguồn thu ngân sách địa phương của khu vực này khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: "Nếu được Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện 8 sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, cho xóa đói giảm nghèo, cho đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Điện Biên".
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết thêm: "Chúng tôi thống nhất sẽ phát huy tối đa tiềm năng điện gió của khu vực Tây Bắc. Những nguồn điện gió này thực sự tạo thêm công ăn việc làm cho địa phương cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế các tỉnh Tây Bắc".
Theo đề án quy hoạch điện 8, về phân bổ cơ cấu nguồn, đến năm 2030, nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, điện sinh khối sẽ chiếm khoảng 25% tổng quy mô công suất nguồn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!