Các tuyến đường vành đai ở Hà Nội không chỉ có chức năng điều phối giao thông đô thị mà còn tạo mạng lưới giao thông kết nối giữa Thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt, Vành đai 4 có chiều dài gần 113km đi qua địa bàn của 3 địa phương là thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích kinh tế, xã hội và là động lực cho sự phát triển không chỉ của riêng Thủ đô mà còn cả các vùng lân cận.
Kể từ khi tuyến đường Vành đai 4 được thông qua, người dân nơi dự án đi qua và các cấp chính quyền của Hà Nội đều ý thức rõ về trách nhiệm và chủ động vào cuộc quyết liệt để triển khai các phần việc trong dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai rất khẩn trương để kịp bàn giao mặt bằng sạch cho bên thi công đúng tiến độ.
Hà Nội tăng tốc giải phóng mặt bằng Vành đai 4
Xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn nằm ở nút giao giữa cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Vành đai 4, nút giao quan trọng kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Tại nút giao này có gần 900 mộ phần cần phải di dời, nên ngay từ trước Tết Nguyên đán, các cấp chính quyền cơ sở cùng các hộ dân đã tổ chức quy tập về khu nghĩa trang mới nằm ngay cạnh đó.
Vành đai 4 đi qua 7 quận, huyện của TP Hà Nội. Mục tiêu của thành phố đặt ra tới tháng 6 sẽ có trên 70% diện tích mặt bằng sạch được bàn giao cho dự án. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện trong đó có Sóc Sơn đã vượt tiến độ đề ra nhờ kiểm kê xong diện tích đất và tài sản trên đất, đền bù theo đúng cơ chế chính sách cho người dân.
Giải phóng mặt bằng luôn là khâu then chốt của các dự án. Đặc biệt hơn khi đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô còn phải giải phóng mặt bằng dự trữ cho hành lang phát triển đường sắt 30m trong tổng lộ giới 125m. Chính vì thế, việc TP Hà Nội ban hành quyết định bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện Vành đai 4 nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các cấp chính quyền cơ sở và người dân nơi có dự án đi qua.
Tạo đồng thuận để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng
Cũng vào những ngày đầu năm, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai 3. Công tác kiểm đếm, đo đạc khảo sát cho dự án đã thực hiện xong nên vấn đề quan trọng vào lúc này là tổ chức họp với người dân để công khai và trao thông báo thu hồi đất.
Với một dự án lớn mang tính chất quan trọng như Vành đai 3, đây là khâu quan trọng nhất nhằm tạo sự đồng thuận của người dân, qua đó quyết định sự thành công cũng như tránh kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng.
Tại huyện Bình Chánh có gần 400 hộ dân tại 3 xã bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3. Tổng diện tích huyện phải giải tỏa là hơn 145 ha. Huyện đã lên kế hoạch từ sớm để thực hiện các công tác kiểm đếm, đo đạc, đặc biệt là điều tra xã hội học về nhân khẩu, nghề nghiệp của mỗi hộ nhằm đảm bảo cho kế hoạch khi triển khai sẽ đáp ứng được các nguyện vọng của từng hộ dân.
Ngoài huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức cũng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng lớn của dự án đường Vành đai 3. Cuối tháng 12, dự án thành phần 1A với chiều dài 2,5km đã được bàn giao cho chủ đầu tư vượt tiến độ đề ra. Từ thành tích này, UBND TP Thủ Đức nhận thấy, việc vận động người dân động thuận có vai trò rất quan trọng, nhất là việc tham mưu được giá bồi thường hợp lý, sát với giá thị trường.
Theo kế hoạch, giữa năm nay, đường Vành đai 3 phải giao ít nhất 70% mặt bằng và bàn giao toàn bộ sau đó 6 tháng. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành sớm hơn. Đây cũng là dự án thành phố xác định làm mẫu cho các công trình khác nên các đầu việc, đặc biệt là khâu đền bù sẽ được triển khai nhanh chóng và chặt chẽ. Các trường hợp bị ảnh hưởng được tạo điều kiện bằng hoặc tốt hơn sau khi giao đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!