Thách thức kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương du lịch

Đỗ Hòa-Thứ sáu, ngày 07/06/2024 15:09 GMT+7

VTV.vn - Việc kiểm tra, kiểm soát hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có ăn uống để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là một thách thức với các địa phương.

Chuyện cái bếp của những nhà hàng ăn uống

Thời điểm này đang là cao điểm của các hoạt động du lịch hè. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng đã được các địa phương chú trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những quyết tâm của lực lượng chức năng, ý thức của các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo những bữa ăn an toàn cho du khách. Ý thức này cần phải bắt đầu từ chính khâu vệ sinh nhỏ nhất trong các căn bếp.

Tại một nhà hàng ăn uống, những dãy bàn ăn thẳng tắp. Bát, đĩa, cốc bày biện gọn ghẽ và sáng bóng. Còn tại bếp, trước khi được lên mâm, bát đã được rửa 3 lần, để trên những chiếc kệ mà đại diện của nhà hàng cho biết là thông thoáng, dễ nhìn thay vì những tủ sấy kín.

"Với không gian thoáng như thế này, nó thủ công và qua đây sẽ thông thoáng, dễ nhìn, dễ kiểm duyệt. Tủ quây kín đáo nhưng có thể có những khi chưa đảm bảo, khi kiểm tra chưa được thấu đáo. Bát đĩa để trần này thì kiểm duyệt dễ hơn", ông Chu Xuân Toàn, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, huyện Hoa Lư, Ninh Bình, cho biết.

Không rõ mức độ thấu đáo, dễ kiểm duyệt của những chiếc kệ này đến đâu, nhưng không khó để thấy những lớp bụi, mảng mốc trên bát đĩa hay trên chính kệ đựng. Nhất là khi, căn bếp nhà hàng lại còn kiêm chức năng nhà kho của gia đình với đủ loại đồ dùng.

"Việc kết hợp nhà kho với cái bếp là vi phạm. Cửa chưa có chắn côn trùng… Giờ đã lát nền, có cổng thoát nước, có chuyển biến nhưng chưa rõ rệt", ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư, Ninh Bình, đánh giá.

Những chiếc kệ bát hở tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh trong một căn bếp chưa đảm bảo không phải chuyện của riêng một nhà hàng. Dù theo kiểm tra nhanh, những chiếc bát đĩa này đều không dính dầu mỡ hay tinh bột sau khi rửa.

"Nhà em làm kệ này đã cách mặt đấy 20 phân. Lót để không cho chuột, bọ bò lên. Nhà hàng kinh doanh nhỏ lẻ nên cũng không có quá nhiều kinh phí để đầu tư", chị Điềm Thị Huế, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, Huyện Hoa Lư, Ninh Bình, chia sẻ.

Kinh doanh nhỏ lẻ, không nhiều kinh phí để đầu tư, cơ sở kêu khó để cải thiện và nó cũng trở thành cái khó cho việc làm chặt chẽ của chính lực lượng chức năng.

"Chỉ khi ngộ độc xảy ra. Còn răn đe, tư vấn, đoàn chuyên ngành, liên ngành đã kiểm tra, đánh giá. Dù đã nhắc nhở, nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ gia đình kinh doanh nên chúng tôi cũng không thể làm căng được", ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư, Ninh Bình, cho hay.

Thách thức kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm

Thách thức kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương du lịch - Ảnh 1.

Số lượng các nhà hàng dịch vụ ăn uống quá lớn, trong khi khả năng kiểm tra của chính quyền, của lực lượng chức năng có hạn.

Tại các địa phương phát triển hoạt động du lịch và là điểm đến hút du khách như huyện Hoa Lư, Ninh Bình, số lượng các cơ sở, nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách là rất lớn. Dù theo đại diện của chính quyền địa phương, trên địa bàn chưa xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm nào với du khách, nhưng việc kiểm tra, kiểm soát hay đồng hành cùng hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có ăn uống để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là một thách thức.

Sổ sách ghi chép loại, lượng thực phẩm nhập theo ngày, cam kết về đảm bảo khâu bảo quản, thời gian sử dụng nguồn thực phẩm…, những điều kiện cần để kiểm soát và quản lý chất lượng thực phẩm trong mỗi cơ sở kinh doanh dịch ăn uống.

Tuy nhiên, từ sổ sách đến thực tế, từ cam kết đến hành động…, điều kiện đủ để đảm bảo chất lượng, an toàn trong mỗi bữa ăn cho thực khách còn là lòng tin vào ý thức, trách nhiệm của mỗi chủ cơ sở. Cũng bởi số lượng các nhà hàng dịch vụ ăn uống quá lớn, trong khi khả năng kiểm tra của chính quyền, của lực lượng chức năng có hạn.

"Chỉ đạo các xã, phòng ban theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra các cơ sở. Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã kiểm tra 319 cơ sở/1.334 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, xử lý 4 cơ sở vi phạm hành chính về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Lưu Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, Ninh Bình, cho biết.

Khó vì số lượng cơ sở cần kiểm tra lớn và còn vì không dễ để có thể thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, nhất là với những cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay - mô hình kinh doanh nở rộ tại địa phương này.

Theo thống kê của UBND huyện Hoa Lư, trung bình mỗi năm khoảng 5 - 6 triệu khách về tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có một lượng lớn du khách quốc tế.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giúp địa phương du lịch này trở thành điểm đến an toàn, thân thiện bên cạnh sức hút của quần thể danh thắng Tràng An.

Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố

VTV.vn - Nhiều địa phương cũng được triệu tập khẩn trương triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước