Thái Nguyên: Nước sông đục ngầu, bốc lên mùi hóa chất vì khai thác vàng

Nguyễn Sơn - Lê Phức-Thứ ba, ngày 18/10/2022 12:58 GMT+7

VTV.vn - Hàng chục năm nay, ngày nào nước sông cũng đục ngầu bùn đất, bốc lên mùi hóa chất nồng nặc.

Khai thác vàng trái phép không những vi phạm pháp luật nhà nước, mà hoạt động khai thác ở đầu nguồn, sẽ thải các chất gây ô nhiễm - theo dòng chảy mặt hoặc phát tán qua môi trường không khí, gây ô nhiễm môi trường, kể cả đối với hoạt động khai thác vàng được cấp phép, nếu không sát sao quản lý...

Hàng chục năm qua, người dân sống ngay cạnh dòng sông Thần Sa thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, nhưng lại không thể sử dụng nguồn nước sông cho hoạt động sản xuất nông nghiệp hay sinh hoạt hằng ngày, do tình trạng ô nhiễm nặng nề. Từng là thủ phủ của Vàng tặc, đến nay các mỏ khai thác vàng trên địa bàn xã Thần Sa đã được cấp phép cho 1 số doanh nghiệp để nhà nước quản lý, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm từ hoạt động khai thác khoảng sản vẫn chưa hề thuyên giảm.

Con sông Thần Sa chảy qua địa phận huyện Võ Nhai - Thái Nguyên vốn trong xanh thế nhưng khi chảy đến khu vực phía sau trường PTDT bán trú Thần Sa thì dòng nước bỗng nhiên biến đổi thành 2 màu rõ rệt.

Hàng chục năm nay, ngày nào nước sông cũng đục ngầu bùn đất, bốc lên mùi hóa chất nồng nặc. Con đường từ Bản Ná vào xóm Thượng Kim bị chia cắt hơn 30 lần bởi sông Thần Sa, mỗi lần đi xe qua mọi người đều phải co chân thật cao để khỏi chạm xuống nước

Lo sợ nguồn nước ô nhiễm, người dân trong xã trước khi chăn thả gia súc đều phải cho trâu bò uống no nước ở nhà. Những thửa ruộng ven sông bà con phải bắc máng dài hàng trăm mét để lấy nước từ nơi khác về sản xuất, một số nơi không thể lấy nước đành chuyển sang trồng cỏ hoặc bỏ hoang.

Vị trí dòng nước đục chảy ra sông Thần Sa là nơi có nhiều đơn vị khai thác khoáng sản hoạt động, trong đó có mỏ khai thác vàng của công ty CP Đầu tư thương mại Thủ đô Gió Ngàn. Dù lãnh đạo công ty khẳng định đã từ lâu không khai thác trong các hang đá do vàng tặc từ ngày xưa để lại tuy nhiên khi vào bên trong thì vẫn thấy rất nhiều vết xe xích cùng các dấu vết đào bới, khai thác quặng rất mới. Bên trong hang còn tồn đọng một lượng nước thải lẫn bùn đỏ rất lớn mà không qua quy trình xử lý nào cả.

Lãnh đạo công ty cũng thừa nhận thỉnh thoảng có đưa xe xúc lật vào trong hang khai thác quặng và chưa có quy trình xử lý nước thải phù hợp.

Hiện công ty CP Đầu tư thương mại Thủ đô Gió Ngàn đã lắp đặt máy bơm để hút hết lượng nước bùn đỏ từ trong hang ra các bể chứa. Tuy nhiên việc ô nhiễm nguồn nước còn do hoạt động khai thác, tuyển rửa vàng tại khu vực Khau Âu của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, địa phương giáp ranh với huyện Võ Nhai. Nguồn nước từ các khu vực khai thác này cũng theo con Suối Bó chảy thẳng ra sông Thần Sa.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND Xã Thần Sa - Huyện Võ Nhai - Thái Nguyên cũng cho biết xã đã xin kinh phí 2 tỷ đồng để đầu tư trạm bơm tưới tiêu nước nông nghiệp, tránh cho bà con không phải dùng nước sông ô nhiễm

Trước tình trạng nước sông Thần Sa ô nhiễm nặng nề, từ năm 2020, UBND huyện Võ Nhai đã đề xuất một số phương án xử lý như nạo vét khơi thông bùn đỏ trong các hang đá, xây dựng các bể lắng bùn trên dòng suối Bó, lắng đọng toàn bộ nước bùn trước khi chảy ra sông. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào được triển khai.

Quảng Nam: Người dân kêu cứu vì sông, suối bị ô nhiễm do khai thác vàng Quảng Nam: Người dân kêu cứu vì sông, suối bị ô nhiễm do khai thác vàng Đánh sập hàng chục hầm khai thác vàng trái phép Đánh sập hàng chục hầm khai thác vàng trái phép Quảng Nam: Phá hủy nhiều điểm khai thác vàng trái phép Quảng Nam: Phá hủy nhiều điểm khai thác vàng trái phép

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước