Không khó để bắt gặp những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, nhưng không đủ trình độ chuyên môn, chưa có giấy phép hành nghề, mà vẫn tự tin thực hiện các kỹ thuật xâm lấn như tiêm filler, botox thẩm mỹ. Họ chỉ cần trải qua một khóa học cấp tốc để được gắn mác bác sĩ thẩm mỹ - một nghề có cơ hội hái ra tiền hiện nay.
Theo thông tin đăng tuyển lớp học tiêm filler, phóng viên VTV tìm đến địa chỉ làm đẹp nằm trên phố Vũ Phạm Hàm, quận Cầy Giấy, Hà Nội. Khi đến nơi, nhân viên lại chỉ dẫn sang một địa chỉ khác gần đó, không biển hiệu.
Đây là buổi học thứ hai và là lần đầu một bạn nam cầm kim để tiêm filler vào mặt mẫu thật.
Theo chủ cơ sở, cầm tay chỉ việc trên mặt người thật là cách học nhanh nhất để thạo nghề trong vài tháng. Những mẫu thật được đăng tuyển trên các hội nhóm. Mẫu sẽ được tiêm filler miễn phí hoặc với giá mềm, còn chủ cơ sở có người để học viên thực hành.
Hầu hết người học và cả giáo viên ở đây đều là tay ngang và từ từ đi lên theo kiểu sống lâu lên lão làng.
"Em đang học phẫu mà. Em học bên 361 Nguyễn Trãi, Thẩm mỹ viện Thùy Dương. Tiểu phẫu đơn giản cắt mí, nâng cung", chủ cơ sở làm đẹp phố Vũ Phạm Hàm, quận Cầu giấy, Hà Nội, cho biết.
"Ngày trước em cũng làm nail mà, nhưng em học tiêm thì em bỏ nail. Làm nail mệt lắm. Làm cái này nhanh và gấp bao nhiêu lần", người đào tạo học viên tiêm làm đẹp cho hay.
Điểm đến tiếp theo là một cơ sở dạy tiêm khác nằm trên đường Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội.
"Em làm cái này 6 - 7 năm nay rồi, nhưng em dựa theo chồng. Cơ quan chức năng mà kiểm tra thì mình không được phép", chủ cơ sở làm đẹp phố Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội, nói.
Thời gian đầu, học viên còn được hỗ trợ hình ảnh để đăng tải lên mạng xã hội tìm khách hàng.
Bà chủ vừa truyền trắng cho khách, vừa kết hợp dạy cho học viên cách lấy ven…
"Thường thường mức trung bình ra thì rơi vào tầm 1 - 2 tháng thì các bạn học viên đã biết tiêm các thứ", chủ cơ sở làm đẹp phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết.
Theo chủ cơ sở, cầm tay chỉ việc trên mặt người thật là cách học nhanh nhất để thạo nghề trong vài tháng.
"Tôi thấy nhiều biến chứng nhất đến từ nhân viên spa, những nhân viên cắt tóc, gội đầu cũng chuyển sang tiêm filler, chất làm đầy", PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, thông tin.
"Khi có biến chứng nguy cơ rồi thì không biết xử lý. Đó cũng chính là điều khác biệt giữa bác sĩ với những người xưng danh là bác sĩ", bác sĩ Tạ Thị Hồng Thúy, giảng viên Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, nhận định.
Đào tạo một bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ chuẩn hiện nay phải mất ít nhất 6 năm học y đa khoa và thêm 3 năm chuyên ngành phẫu thuật tạo hình mới được cấp chứng chỉ hành nghề và mới được phép tiêm filler cho khách.
Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành quận Cầu Giấy, phóng viên quay trở lại spa trên phố Vũ Phạm Hàm. 30 phút trước đó, chủ cơ sở làm đẹp này vẫn còn livestream trực tiếp cảnh nhộn nhịp khách tiêm filler, nhưng khi đoàn kiểm tra vừa đến nơi thì đã…vườn không nhà trống. Nhiều kim tiêm mới được sử dụng, được tìm thấy nằm lẫn trong thùng rác.
"Một số bơm kim tiêm, có dấu hiệu vi phạm bọn chị sẽ niêm phong lại toàn bộ và em sẽ làm việc. Đây còn có một số hợp đồng", bà Nguyễn Thị Tô Hà, Phó Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy, Hà Nội, nói.
Theo phòng y tế quận Cầu giấy, chủ cơ sở này chỉ được làm phun xăm, chưa có giấy phép kinh doanh dịch vụ xâm lấn. Tuy nhiên trên đây là hàng chục hợp đồng đào tạo nghề được ký với học viên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Những người này sau khi hoàn thành khóa học, có thể sẽ tỏa về các địa phương để hành nghề tiêm làm đẹp cho chị em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!