Đây là trường hợp không chỉ rất khó khăn với phẫu thuật viên ngoại khoa mà cả đội ngũ nhiều chuyên ngành của Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng họ đã cùng nỗ lực phối hợp giữ lại sự sống cho bệnh nhi và khẳng định trình độ kỹ thuật ngang tầm thế giới.
Sau gần 2 tuần phẫu thuật cắt bỏ khối u máu ở gan to hơn cả lá gan, bệnh nhi đã tỉnh táo, đỡ vàng da, sức khỏe ổn định. Trước đó, dù cậu bé đã được chẩn đoán u gan từ trong bụng mẹ nhưng khối u cứ lớn dần. Lúc sinh ra, bệnh nhi đã nguy kịch với khối u máu to, chiếm toàn bộ gan trái, chèn ép các tạng, khiến bụng chướng to.
Để đi đến quyết định phẫu thuật cho bệnh nhi, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn toàn viện với nhiều chuyên ngành như: ngoại khoa, sơ sinh, gây mê, hồi sức, huyết học truyền máu. Xác định ca mổ rất phức tạp, nguy cơ biến chứng chảy máu, suy tim, suy gan rất cao nhưng các bác sỹ vẫn chỉ định mổ cắt gan bán cấp cứu. Vì đây là biện pháp duy nhất giành lại sự sống cho cháu bé.
Vượt qua nhiều khó khăn, cháu bé gần như thay máu hoàn toàn vì phải truyền tới hơn 1 lít các chế phẩm máu, ca mổ thành công. Nhưng sau đó, giai đoạn hồi sức cũng rất gian nan. Có lúc cháu bé đối mặt với nguy cơ suy gan, rồi bị tan máu. Nhưng nhờ được các bác sĩ theo dõi sát sao, phối hợp điều trị, cậu bé đã tiến triển tốt.
Chính sự phối hợp hiệu quả ở những ca phức tạp như thế này ngày càng mở ra hy vọng cho những gia đình có con không may mắc bệnh nan y.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!