Toàn tỉnh Thanh Hoá hiện đã có 18.000 ha rừng trồng cao su so với mục tiêu 25.000 ha đặt ra.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra quyết định chuyển đổi 200 ha rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân sang rừng sản xuất để trồng cây cao su. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mục tiêu trồng cây cao su đã không đạt được kết quả như ban đầu đề ra, với chỉ có gần 53 ha rừng cao su được trồng mới, số diện tích còn lại phải chuyển sang trồng keo tai tượng.
Ngày 11/8/2011 UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành văn bản số 2643 cho phép ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân chuyển đổi 200 ha rừng phòng hộ thành rừng sản xuất và trồng cây cao su. Toàn bộ diện tích rừng này đã được giao cho 24 hộ là cán bộ công nhân viên của BQL rừng phòng hộ Như Xuân. Đồng thời hỗ trợ 9 triệu đồng/ha cây cao su sau khi trồng. Tuy nhiên, mục tiêu trồng 200 ha cây cao su đã không thành công.
Theo lý giải của các cơ quan chức năng, tại thời điểm giao khoán rừng, thị trường cao su đang gặp khó khăn nên người dân đã không tâm huyết với việc trồng cây cao su. Không khuyến khích được người dân trồng cây cao su, hơn 150 ha rừng sau đó đã được chuyển đổi sang trồng cây keo.
Theo chi cục lâm nghiệp tỉnh Thanh Hoá, việc chuyển đổi sang trồng keo cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước và chất lượng rừng cũng đã được nâng lên.
Như vậy, việc chuyển đổi 200 ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để trồng cây cao su của tỉnh Thanh Hoá đã không đạt được mục tiêu đề ra mặc dù việc chuyển đổi và giao rừng được cho là đúng quy định.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.