Ở tuổi ngoài 80 nhưng cụ Hoàng Thị Châu Diên (cựu thanh niên xung phong Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn còn rất minh mẫn, hàng ngày cụ vẫn cố gắng ghi lại những dòng hồi tưởng về những tháng năm hào hùng của tuổi thanh xuân, khi cụ còn là một thanh niên xung phong ở chiến trường ác liệt nhất lúc bấy giờ.
"Cần phải xông pha. Đường đứt là phải lăn ra, kể làm ngày không hết thì làm đêm để lấp hố bom, làm sao cho cứng, cho chắc để xe đi qua được" - cụ Diên nhớ lại.
Là lực lượng hỗ trợ cho quân đội, lực lượng thanh niên xung phong có nhiệm vụ mở đường, sửa chữa cầu đường để đảm bảo giao thông thông suốt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hơn 10 vạn thanh niên xung phong miền Bắc đã có mặt trên các tuyến đường huyết mạch.
Thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương, chịu đựng gian lao, vất vả, thiếu thốn về vật chất và tinh thần để bám tuyến đường, cầu, tham gia chiến đấu, mở đường, phá bom, đào hầm trú ẩn, bảo đảm cho người và xe qua lại an toàn.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, cựu Thanh niên xung phong Tiền Hải, Thái Bình chia sẻ: "Nghe theo tiếng gọi của Đảng có phong trào 3 sẵn sàng nói thanh niên là đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần nên chúng tôi đã xung phong lên đường vào tuyến lửa".
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho biết: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhận xét như thế này: Tôi luôn coi Thanh niên xung phong như là bộ đội vì trong bản chất của thanh niên xung phong có bản chất của bộ đội cụ Hồ. Chính vì thế, lực lượng này luôn bên cạnh và cần thiết, chuyển từ lực lượng thanh niên xung phong sang bộ đội để phục vụ chiến đấu khi cần thiết".
70 năm cống hiến và trưởng thành, lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam đã viết nên những trang sử oanh liệt, hào hùng, góp phần tô thắm truyền thống cách mạng, vẻ vang của dân tộc, lập nên những kỳ tích trong thời đại Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!