Một toa xe của đoàn tàu tuyến metro số 1. (Ảnh: TTXVN)
Hội thảo về quy hoạch giao thông vận tải cho TP Hồ Chí Minh được tổ chức nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về giao thông. Một trong những điểm đáng chú ý là TP Hồ Chí Minh cần ít nhất 300 km đường sắt đô thị. Do đó, quy hoạch giao thông vận tải thành phố phải tính đến vấn đề này, đi cùng với đó là các phương thức vận tải kết nối.
Từ kinh nghiệm của các thành phố lớn của châu Á như Tokyo, Thượng Hải, Hong Kong, Singapore, các chuyên gia giao thông sẽ đưa ra mức tính sau: cứ 1 triệu dân cần 30km đường sắt đô thị. Cá biệt có Tokyo (Nhật Bản) cần đến 70 km đường sắt đô thị.
Nếu tính đến dân số hiện tại là 10 triệu dân, TP Hồ Chí Minh cần ít nhất 300km. Tuy nhiên, với 8 tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch, TP hiện có khoảng 210 km. Do đó, cần phải kéo dài, mở rộng các tuyến đến vùng ven. Trong tương lai, TP Hồ Chí Minh cần đến 70km đường sắt cho 1 triệu dân.
Theo các chuyên gia, việc mở rộng các tuyến đường sắt đô thị ra các vùng ven bởi dân số ở đây sẽ tăng. Đây cũng là nơi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, có quỹ đất để mở thêm các khu đô thị mới. Do đó, thậm chí phải mở thêm các tuyến mới. Tính đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện tuyến đường sắt đô thị số 1 và dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào cuối năm sau.
Mục tiêu giao thông công cộng của TP Hồ Chí Minh đặt ra đến năm 2025 đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại người dân, đến năm 2030 là 25%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!