Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sau khi hoàn thiện sẽ kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh thành ĐBSCL.
Theo đó, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận yêu cầu tăng cường tổ chức thi công dự án Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thành "3 ca 4 kíp" để bù đắp khối lượng, sản lượng đã chậm của năm 2023. Mặt khác, tranh thủ tối đa điều kiện thời tiết mùa khô để thi công tăng ca ở tất cả các mũi thi công.
Bộ Giao thông vận tải còn yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát cập nhật, điều chỉnh các hạng mục an toàn giao thông trên tuyến, các vị trí nút giao như bổ sung biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu giao thông. Cùng đó tập trung hoàn thành toàn bộ các hạng mục trên tuyến chính, đặc biệt tại nút giao Chà Và, nút giao ĐT908, lề đường, taluy, cầu vượt ngang, đường gom, đường hoàn trả phục vụ thi công trước ngày 31/1/2024, tuân thủ yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật, hồ sơ thiết kế, đảm bảo chất lượng, mỹ quan công trình.
Bốn phương án xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. (Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận)
Được biết, Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài gần 111km với tổng mức đầu tư hơn 27.520 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 1/1/2023, đi qua TP Cần Thơ và 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 99%. Sau gần 12 tháng, hiện sản lượng toàn dự án đạt 17,3%, trong khi kế hoạch năm 2023 đặt ra là 35%.
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ trong năm qua, Chủ đầu tư dự án cho hay đơn vị bị thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường, khó khăn về công tác giải phóng mặt đường, thời tiết bất lợi nên việc thi công dự án chậm khoảng 6 tháng. Đến nay, các khó khăn của dự án đã cơ bản được tháo gỡ.
Mục tiêu trong năm 2024, sản lượng thi công của toàn dự án phải đạt trên 9.000 tỷ đồng, trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt khoảng 4.000 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!