Thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 08/01/2024 21:13 GMT+7

VTV.vn - Những khó khăn, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác đang là một trong những thách thức lớn đối với phân loại rác tại nguồn.

Năng lực hạn chế trong thu gom rác ở Hà Nội

Đến ngày 1/1/2025 sẽ thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường trên cả nước. Đây được kỳ vọng là một bước đi đột phá để cải thiện vấn đề ô nhiễm và quá tải do rác thải, cũng như lãng phí tài nguyên ở Việt Nam.

Tuy nhiên để thực thi các quy định này cần nhiều cơ chế, chính sách đi kèm. Bởi thực tế ở đã cho thấy, những khó khăn, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác đang là một trong những thách thức lớn đối với phân loại rác tại nguồn.

Thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác   - Ảnh 1.

Những tiếng kẻng báo hiệu giờ thu gom rác đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân ở Hà Nội và các đô thị từ vài chục năm nay. Những phương tiện chở rác thủ công không có gì thay đổi trong nhiều năm qua.

Mới 16h, nhưng chị Tới - công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã phải bắt đầu công việc thu gom rác của mình, sớm hơn 2 - 3h so với trước đây do lương rác phát sinh ngày một nhiều. Ngõ nhỏ, dân cư tập trung đông, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 2 tấn rác.

Rác đủ loại nhưng chưa được phân loại nên xe rác thường quá tải. Thậm chí vừa đi vương vãi gây ô nhiễm. Chị Tới phải sử dụng thêm các tấm gỗ be vào hai bên thành xe để mỗi chuyến có thể chở được nhiều rác hơn.

Từ 7 năm trước, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã có đề án cơ giới hóa, giảm thiểu thu rác bằng xe gom nhưng rất khó triển khai trong các ngõ nhỏ vốn rất nhiều ở Hà Nội. Hiện, lượng rác thu gom từ các xe gom trên địa bàn công ty phụ trách chiếm đến một nửa so với tổng lượng rác phải thu gom.

Thiếu hạ tầng xử lý rác ở các địa phương

Có thể thấy, trong nhiều năm qua, đối với những đô thị như thành phố Hà Nội, mặc dù mới chỉ thu gom một loại rác không phân loại đã là một thách thức lớn, chưa kể đến sau này khi triển khai phân loại rác tại nguồn sẽ phải thu gom 2 - 3 loại rác.

Còn việc xử lý rác - khâu cuối cùng của chu trình phân loại, thu gom, xử lý, tái chế rác, đối với hầu hết các địa phương vẫn đang là vấn đề hết sức nan giải. Một trong những nguyên nhân chính do hạ tầng, ngân sách xử lý rác ở nhiều địa phương trên cả nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác   - Ảnh 2.

Hơn 1 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn được tập kết về lò đốt rác. Mặc dù đã thí điểm các mô hình phân loại rác tại nguồn nhưng sau khi người dân phân loại vào các thùng khác nhau, rác vẫn được đổ vào một thùng rồi vận chuyển về đây để phân loại lại.

Ngân sách dành cho xử lý rác của huyện Chợ Mới năm 2023 chỉ là hơn 900 triệu và toàn tỉnh là hơn 20 tỷ đồng. Nguồn ngân sách này chỉ đáp ứng được 60% so với nhu cầu thực tế xử lý rác thải ở Bắc Kạn.

Cùng với những khó khăn về thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng xử lý, tái chế rác thải, một trong những khó khăn nữa đối với tất cả các địa phương hiện nay đó là phí dịch vụ môi trường rất thấp. Tại nhiều địa phương mức phí do Hội đồng Nhân dân các tỉnh phê duyệt, nhiều năm qua không được thay đổi.

TP Hà Nội đang áp dụng mức phí 3.000 đồng một nhân khẩu ở các huyện ngoại thành và 6.000 đồng một nhân khẩu ở quận nội thành. Nếu tính đủ, phí dịch vụ vệ sinh môi trường sẽ phải tăng từ 7 - 10 lần, tức là 30.000 đồng với một nhân khẩu huyện ngoại thành và 35.000 đồng một nhân khẩu quận nội thành.

70% lượng rác thải phát sinh hàng ngày được chôn lấp

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng rác thải trong cả nước vẫn không ngừng tăng lên, hiện tăng trung bình từ 10% - 16% mỗi năm.

Hàng ngày vẫn có khoảng 70% trong số trên 67.000 tấn chất thải sinh hoạt trong cả nước đang được xử lý theo hình thức chôn lấp, không phân loại, khiến nhiều bãi rác quá tải và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... là gần 36.000 tấn/ngày, chiếm 58% tổng khối lượng của cả nước. Hầu hết các địa phương vẫn xử lý rác bằng hình thức chôn lấp.

Hiện chỉ có một số địa phương đang áp dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến như đốt rác phát điện, xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh... Hầu hết các đơn vị vệ sinh môi trường đều chỉ đủ kinh phí bố trí một xe chở chung các loại rác, kể cả rác sau phân loại. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án thí điểm phân loại rác thải tại nguồn chưa thể mở rộng hoặc tạm dừng.

Thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác   - Ảnh 3.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chính quyền các tỉnh, thành phố có trách nhiệm triển khai phân loại, thu gom, xử lý rác, ban hành đơn giá định mức thu gom, xử lý rác thải.

Tuy vậy, đến nay cả nước mới chỉ có 28 tỉnh, thành có quy hoạch cấp tỉnh về hạ tầng thu gom và xử lý về chất thải rắn sinh hoạt; 17 tỉnh, thành đang triển khai hoặc thí điểm phân loại rác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các địa phương thúc đẩy triển khai các giải pháp phân loại rác thải tại nguồn, đồng bộ các khâu phân loại, thu gom, xử lý, tái chế rác.

Hiện ở nhiều khu dân cư, nhiều khu chung cư, các trung tâm thương mại, siêu thị đều đã có những thùng rác phân loại. Trước khi có một hệ thống đồng bộ phục vụ công tác phân loại rác thì việc mỗi người dân tự phân loại tại nhà, bỏ rác vào đúng thùng phân loại cũng là những việc làm trách nhiệm.

Hà Nội tái diễn ùn ứ rác thải sinh hoạt, xe rác tràn ra đường phố Hà Nội tái diễn ùn ứ rác thải sinh hoạt, xe rác tràn ra đường phố

VTV.vn - Khoảng gần 1 tuần nay, tại địa bàn một số quận nội thành như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông…. đã xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải với số lượng lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước