Đầu tháng 7/2016, khi bệnh sốt xuất huyết bùng phát tại Tây Nguyên, gia đình chị Phạm Thị Bích Phượng, tổ 15, phường Hội Phú, Thành phố Pleiku đã có người bị sốt. Chỉ trong vòng 1 tuần, cả hai vợ chồng và hai con nhỏ đều phải nhập viện điều trị. Gia đình đã báo và đề nghị địa phương hỗ trợ trong việc phun thuốc diệt muỗi, nhưng cũng phải gần 1 tháng sau tại khu vực này mới được phun thuốc. Đến lúc này, cả 12 thành viên trong gia đình đều bị sốt xuất huyết.
Sự chậm trễ này được lý giải bởi nguyên nhân thiếu kinh phí chủ động phòng chống bệnh. Cho đến thời điểm này, nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết vẫn chưa được cung cấp. Để đối phó với tình hình bệnh đang ngày một gia tăng, các đơn vị y tế luôn trong cảnh "giật gấu vá vai".
Với trên 4.000 ca mắc sốt xuất huyết trong toàn tỉnh, Gia Lai là địa phương có số bệnh nhân sốt xuất huyết cao nhất khu vực Tây Nguyên, chiếm 14% tỉ lệ mắc trên cả nước. Địa phương này cũng đã xuất 1,3 tỉ đồng để chi cho công tác dập dịch, nhưng khi sốt xuất huyết bùng phát mạnh và xuất hiện tại cả 17/17 đơn vị hành chính cấp huyện thì số tiền trên cũng chỉ như “muối bỏ bể".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!