Ngô và đậu tương là hai loại thực phẩm có tỷ lệ giống biến đổi gen lớn nhất ở Việt Nam. Loại dùng để làm thức ăn chăn nuôi có tiêu chuẩn hoàn toàn khác với loại làm thực phẩm cho người. Dù đã có quy định về việc ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Tuy nhiên, quy định này chưa được thực hiện nghiêm. Nên người tiêu dùng đang không được đảm bảo quyền minh bạch thông tin về những sản phẩm này.
Hơn 6,5 triệu tấn ngô và đậu tương, là khối lượng được nhập khẩu vào nước ta từ đầu năm đến nay để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong đó, Brazil, Hoa Kỳ và Canada là 3 đối tác lớn cung cấp đậu tương cho Việt Nam. Đây cũng là các quốc gia hàng đầu thế giới về trồng ngô, đậu tương biến đổi gen. Điều đáng nói là khi những sản phẩm này được nhập khẩu về Việt Nam... thì việc hậu kiểm cũng như quản lý lại khá lỏng lẻo và thiếu minh bạch.
Biến đổi gen là sự thay đổi của một mã di truyền ở cấp độ phân tử. Các nhà khoa học sử dụng công nghệ biến đổi gen để tạo ra các loại hạt, rau hay vật nuôi có những đặc tính di truyền ưu thế hơn.
Ở đậu tương hay đậu nành, người ta tạo ra những giống biến đổi gen với mục đích chính là thích nghi với thuốc trừ cỏ và chống chịu sâu bệnh. Có nghĩa là đậu tương biến đổi gene có khả năng chống chịu được với thuốc trừ cỏ và có khả năng tiêu diệt sâu hại khi sâu hại ăn phải. Còn các đặc tính khác về hình dáng, chất lượng được giữ nguyên.
Như vậy, người tiêu dùng không thể phân biệt đậu tương biến đổi gen hay đậu tương không biến đổi gen chỉ bằng mắt thường.
Thiếu minh bạch về thực phẩm biến đổi gen
Chỉ riêng phía Bắc đã có hàng chục doanh nghiệp lớn chuyên nhập khẩu đỗ tương. Chỉ riêng một doanh nghiêp, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 30.000 tấn. Theo tờ khai kiểm dịch tại cảng cũng như giao dịch mua bán thì số đậu tương này được dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng thực tế khi về đến kho thì số đậu tương này được dùng vào rất nhiều sản phẩm khác nhau mà không có ghi nhãn GMO.
Chỉ 1 làng cũng có tới 6 đại lý cung cấp mặt hàng đỗ tương. Tại đây, phóng viên ghi nhận có khá nhiều nhãn hàng của các doanh nghiệp nhập khẩu đỗ tương số lượng lớn. Theo chủ đại lý, bên cạnh đậu tương Mỹ, Canada, Brazil thì đậu tương Trung Quốc có giá cao nhất, làm đậu cũng ngon nhất.
Hiện nay, nhiều làng làm đậu phụ truyền thống đã sử dụng đỗ tương nhập khẩu... Mỗi cơ sở có thể dùng đến hàng trăm kg đỗ tương mỗi ngày. Cứ 1 kg đỗ tương sẽ cho ra trên dưới 2 kg đậu phụ. Người dân gần như không biết về đỗ tương biến đổi gen, mặc dù trên các bao bì đỗ tương có dán nhãn tiếng Anh GMO.
Vấn đề minh bạch nguồn gốc thực phẩm biến đổi gen đã được đề cập cách đây gần 15 năm. Từ năm 2010, việc sử dụng thực phẩm có thành phần từ sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen đã được quy định trong Luật An toàn thực phẩm và nghị định về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên thị trường có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa còn phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa.
QUY ĐỊNH DÁN NHÃN THỰC PHẨM BIẾN ĐỔI GEN
Theo Thông tư liên tich số 45 năm 2015 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ thì ngô, đậu tương biến đổi gen và các sản phẩm bao goi sản xuất từ ngô, đậu tương biến đổi gen nhập khẩu đều phải ghi nhãn biến đổi gen theo hướng dẫn.
Mỹ thay đổi cách gọi thực phẩm biến đổi gen
Các sản phẩm ở Hoa Kỳ có chứa những động-thực vật biến đổi gen (GMO) giờ đây sẽ được ghi nhãn là "được sản xuất bằng công nghệ sinh học" (bioengineered, hay BE) theo các quy tắc công bố thực phẩm mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Đây là một sự thay đổi so với việc mô tả thực phẩm có các thành phần "biến đổi gen" hoặc GMO theo các quy định cũ.
Các công ty sẽ có thời gian đến ngày 01/01/2024 để tuân thủ các quy định mới được chính quyền của Tổng thống Donald Trump ban hành. Chính phủ Mỹ đã thực hiện theo quy định của một đạo luật được Quốc hội thông qua hồi năm 2016 để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về việc công bố các thực phẩm được chế tạo hoặc có thể được chế tạo bằng công nghệ sinh học.
Ở Việt Nam, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định về nhãn hàng hóa. Theo đó, nhãn hàng hóa thực phẩm biến đổi gen bắt buộc phải thể hiện các nội dung như: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin cảnh báo. Đặc biệt trên nhãn phải ghi cụm từ: "Thực phẩm biến đổi gen" hoặc "Biến đổi gen" bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng.
Liệu thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen có tác động như thế nào đến sức khỏe của con người hiện vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Thế nhưng, người dân sử dụng mỗi loại thực phẩm nào đều có quyền được biết thực phẩm ấy được chế biến từ nguyên liệu gì, được trồng trọt như thế nào.
Hiện nay, Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật trong đó quy định rõ: Thực phẩm biến đổi gen lưu hành trên thị trường phải thể hiện rõ trên bao bì về nguồn gốc và thành phần biến đổi gen. Do đó, vấn đề lớn nhất lúc này là phải thực hiện nghiêm những quy định này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Chất lượng và Nông nghiệp hữu cơ, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!