Thiếu trầm trọng giáo viên Tiếng Anh và Tin học cho chương trình phổ thông mới

Phạm Hà (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 08/11/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, so với số lượng giáo viên hiện có, cấp tiểu học thiếu khoảng hơn 6.000 giáo viên Tin học và hơn 5.000 giáo viên Ngoại ngữ.

Nói thông thạo Tiếng Anh, sử dụng thành thạo Tin học giờ không phải là thứ gì cao siêu mà là yêu cầu căn bản với học sinh Việt Nam để tìm kiếm cơ hội việc làm trong tương lai và mở ra những cơ hội kết nối với thế giới. 

Tuy nhiên, theo yêu cầu của chương trình mới, học sinh từ lớp 3 bắt buộc phải được 2 môn này nhưng thiếu giáo viên chuyên môn lại là câu chuyện phổ biến ngay cả ở những thành phố lớn.

Vì sao thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học?

Tại trường tiểu học Lê Văn Tám, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng, mấy năm trước, trường được trang bị 2 phòng máy tính. Nhưng vì không có giáo viên nên máy để lâu bị hỏng, giờ dồn vào chỉ còn 1 lớp nhưng cũng vẫn phải bỏ không vì chưa có giáo viên.

Trên thực tế, rất nhiều học sinh có nhu cầu về môn Tin học nhưng nhiều trường không tổ chức dạy được vì không có chỉ tiêu biên chế.

Tại trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Cô Hồng đã làm giáo viên hợp đồng dạy Tin học 13 năm nay. 3 tháng hè, cô không có lương. Dù vậy, hàng năm cô vẫn đang đảm trách nhiệm vụ đào tạo học sinh giỏi đi thi cấp thành phố, cấp quốc gia và đều có giải.

Môn tiếng Anh cũng trong tình trạng tương tự. Có cô giáo 10 năm liền chỉ là giáo viên hợp đồng vì trường không có chỉ tiêu biên chế. Lòng luôn bất an dù nghề thì vẫn yêu, trò thì vẫn quý.

Thiếu trầm trọng giáo viên Tiếng Anh và Tin học cho chương trình phổ thông mới - Ảnh 1.

Sớm thực hiện các giải pháp đảm bảo đủ giáo viên

Theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, 2 năm nữa tất cả học sinh lớp 3 trên cả nước đều phải được học môn tiếng Anh và Tin học. Các nhà trường cho rằng, việc chuẩn bị giáo viên phải được thực hiện khẩn trương, bởi hiện nay, việc tuyển được giáo viên không đơn giản, trong khi đó, dạy học ở cấp tiểu học cần cả kinh nghiệm và trình độ.

Chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 3 bắt đầu được thực hiện từ năm 2022. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, các địa phương cần khoảng 13.600 giáo viên Tin học và hơn 27.000 giáo viên Ngoại ngữ. So với số lượng giáo viên hiện có, cấp tiểu học thiếu khoảng hơn 6.000 giáo viên Tin học và hơn 5.000 giáo viên Ngoại ngữ.

Tuy nhiên, chỉ còn 2 năm nữa để các địa phương phải đảm bảo đủ số giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại Hải Phòng, thành phố này đã xây dựng dữ liệu về giáo viên tại tất cả các trường. Thông tin chi tiết về giáo viên nào đến tuổi nghỉ hưu, môn học nào đang thừa, môn học nào thiếu giáo viên đều cập nhật liên tục. Đây là dữ liệu để thành phố giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tin học và tiếng Anh trong 2 năm tới.

Ưu tiên tuyển dụng giáo viên bậc tiểu học

Có một thực tế là việc tuyển dụng được giáo viên vừa có trình độ tiếng Anh, trình độ Tin học vừa có chuyên môn sư phạm tiểu học là điều rất khó khăn vì dạy học tiểu học vất vả, khó có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, thu nhập thấp và không ổn định vì số được tuyển dụng chính thức rất ít, chủ yếu là hợp đồng với mức lương thấp. Bộ GD&ĐT cũng đang đưa ra các giải pháp để thay đổi những bất cập này

Hiện nay, trên cả nước, số giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đã cơ bản đáp ứng đủ. Vậy nên trong 2 năm tới, việc tuyển dụng giáo viên ở các tỉnh phải đặc biệt ưu tiên cho bậc tiểu học. Các địa phương rà soát cụ thể số lượng giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học để có ngay giải pháp cho việc ưu tiên bố trí biên chế, đặt hàng đào tạo và cam kết tuyển dụng sau khi các em tốt nghiệp. Từ năm 2022 trở đi, các địa phương cần tính toán để bổ sung đủ số lượng giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học cho các trường theo lộ trình hàng năm.

Việc bố trí giáo viên dạy môn Ngoại ngữ, Tin học cũng phải hết sức linh hoạt theo các phương án tuyển dụng viên chức; hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng hoặc có thể bố trí 1 giáo viên dạy ở nhiều trường trên cùng địa bàn. Mục tiêu là không để bất kỳ cơ sở giáo dục tiểu học nào vì thiếu giáo viên mà không triển khai dạy học Ngoại ngữ và Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông từ 2018.

Ở các thành phố lớn, ngoài học Ngoại ngữ ở trường, bố mẹ còn cho con đi học thêm ở các trung tâm Anh ngữ. Còn ở miền quê, vùng núi, vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cha mẹ trông chờ vào trình độ của các thầy cô dạy Ngoại ngữ ở trường. Vì thế, nếu đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học tiểu học không được quan tâm đúng mức, việc mất gốc, ngại học Ngoại ngữ vẫn sẽ là câu chuyện phổ biến.

Tín hiệu vui từ chương trình giáo dục phổ thông mới tại tỉnh miền núi Tín hiệu vui từ chương trình giáo dục phổ thông mới tại tỉnh miền núi Chương trình giáo dục phổ thông mới: Kỳ vọng về một thế hệ mới Chương trình giáo dục phổ thông mới: Kỳ vọng về một thế hệ mới Chương trình giáo dục phổ thông mới: Khi sách giáo khoa không còn là 'pháp lệnh' Chương trình giáo dục phổ thông mới: Khi sách giáo khoa không còn là "pháp lệnh"

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước