Cuối tháng 10 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Kim Hương, cư trú tại quận Long Biên, Hà Nội. Hương liên quan đến các đường dây mua bán ma túy từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ từ hơn 10 năm trước. Để ẩn thân, đối tượng đã nhiều lần thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi khuôn mặt để tránh bị phát hiện.
Tương tự, giữa tháng 7 năm 2023, lực lượng chức năng đã bắt giữ Tống Thị Lan, quê Bắc Giang, sau 5 năm lẩn trốn lệnh truy nã về tội mua bán người. Trong thời gian này, Lan cũng đã phẫu thuật để thay đổi gương mặt nhằm tránh sự chú ý của cơ quan pháp luật.
Một trường hợp khác là Nguyễn Thị Thu Diệu, quê An Giang. Diệu có liên quan đến một đường dây ma túy lớn bị triệt phá vào năm 2004 và đã trốn lệnh truy nã suốt 12 năm. Để che giấu thân phận, Diệu không chỉ sửa đổi khuôn mặt mà còn sử dụng giấy tờ giả.
Tinh vi thủ đoạn thay đổi nhận dạng của các tội phạm trốn truy nã
Trên mạng xã hội không khó để bắt gặp những quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ với những hình ảnh hấp dẫn, thu hút nhiều người, trong đó có cả tội phạm.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội cho biết: "Phẫu thuật thẩm mỹ là do xuất phát từ nhu cầu cá nhân, đáp ứng nhu cầu cá nhân trên cơ sở Luật Khám chữa bệnh và khi thực hiện thì đảm bảo an toàn cho cá nhân đó là được. Tuy nhiên trong thực tế đã phát sinh hệ lụy tiêu cực".
Nhiều tội phạm đã lợi dụng việc này để thay đổi nhận dạng. Điển hình là trường hợp của Hoàng Thị Phương Trang, sinh năm 1983, vừa bị bắt sau 5 năm trốn nã. Trong thời gian lẩn trốn, Trang đã phẫu thuật thẩm mỹ, trốn ra nước ngoài và làm nghề massage, chia bài trong các sòng bạc.
Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh từ Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: "Các đối tượng thay đổi về đặc điểm nhân dạng để tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra và các lực lượng chức năng, đặc biệt là trốn tránh sự phát hiện của những người có mặt tại hiện trường".
Cơ quan công an nhận định, khuôn mặt của 1 người không có sự can thiệp của phẫu thuật thẩm mỹ, theo thời gian cũng có nhiều thay đổi. Việc điều tra, truy bắt các đối tượng lợi dụng phẫu thuật thẩm mỹ để trốn lệnh truy nã luôn là bài toán khó. Sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị có liên quan còn chậm cũng gây ảnh hưởng tới điều tra, truy bắt đối tượng.
Để nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm, cơ quan công an khuyến cáo, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cần đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt các quy định từ khi tiếp nhận đến quản lý, khai báo danh tính khách hàng.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội cho biết: ''Cần phải nghiên cứu để các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ phải có trách nhiệm trong việc xác minh về nhu cầu cũng như quy định về điều kiện để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, không phải mọi người cứ muốn thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ là được. Trong một số trường hợp có nghi ngờ hoặc không rõ thông tin danh tính thì cần phải cung cấp thông tin ví dụ như lý lịch tư pháp để làm cơ sở pháp lý quan trọng để xác định xem người đó có đang bị truy nã hay đang phạm tội hay không''.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!