Thủ phủ phế liệu tại Hà Nội - Kỳ 2: Chấp nhận ô nhiễm

Minh Toàn (VTV Digital)-Thứ sáu, ngày 31/03/2023 10:16 GMT+7

VTV.vn - Đất, nước thậm chí là không khí tại "thủ phủ phế liệu" Xà Cầu đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề từ hoạt động phân loại và tái chế rác thải.

Thu gom, tái chế phế liệu là một trong những nghề góp phần làm sạch môi trường, đồng thời tạo việc làm cho người lao động của địa phương. Tuy nhiên, tính tự phát và thiếu chuyên nghiệp của người dân ở đây khiến ngành nghề này trở thành "mối nguy" đối với môi trường.

Quen việc… tổng hợp các loại mùi

Những người làm công việc thu gom, phân loại, tái chế nhựa vốn được gọi là những người làm sạch môi trường. Tuy nhiên chính môi trường sống của họ lại đang ô nhiễm nghiêm trọng. Những bãi tập kết phế liệu được đặt cách khu dân cư chỉ vài bước chân, những chất bẩn còn thừa trong nhựa rỉ ra, ngấm xuống đất, nước rửa nhựa được xả trực tiếp ra kênh ra sông hay hoạt động đốt trộm rác thải xảy ra hàng ngày…

Nhựa được phân loại ở đây bao gồm cả những vỏ cốc trà sữa hay những thức uống còn thừa, lâu ngày bốc mùi khó chịu. Thậm chỉ là cả những vỏ chai hoá chất cũng được tập kết về làng này. Tuy vậy nhưng những người lao động ở đây hầu hết không có công cụ bảo vệ chuyên dụng mà chỉ bảo vệ bản thân bằng những chiếc khẩu trang vải và những đôi găng tay đơn sơ, thậm chí đã rách, thủng cả ra.

Bà Nguyễn Thị Vui (67 tuổi, người dân thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) cho biết: "Bà làm quen rồi, chẳng thấy mùi gì. Bà làm lâu năm rồi, chẳng ảnh hưởng gì đâu, với lại đi làm cho khoẻ, chứ ở nhà buồn tay buồn chân lắm…". 

Niềm vui của bà Vui là được làm rác, được tiếp xúc với nhựa mỗi ngày. Bởi lẽ, những thứ vốn được người khác vứt bỏ, nay lại được bà Vui trân trọng như nguồn sống của chính bản thân mình. Nguồn sống của bà là những thứ tưởng như bẩn thỉu, bỏ đi.

Không chỉ có nhựa vô cơ mà tại đây còn xuất hiện nhiều sản phẩm y tế như túi đựng máu, ống dẫn, bao bì, tấm nhựa, vật liệu chèn, và các thiết bị y tế như băng keo y tế, găng tay y tế, vòng đeo tay… Những loại rác thải y tế này phải được các tổ chức có chuyên môn thu gom và xử lý riêng nhưng lại xuất hiện ở "thủ phủ phế liệu" này theo cách rất bí ẩn. Điều này đã dấy lên những câu hỏi về nguy cơ lây nhiễm và phòng ngừa các nguy cơ liên quan đến vi sinh vật.

Bà N.T.M (54 tuổi) là một người có thâm niên hàng chục năm trong nghề phân loại nhựa cho biết: "Làm cái này mà bảo sạch sẽ thì làm thế nào được nghề, có vỏ trà sữa, có vỏ lon nước, có cả kim tiêm nữa, làm sạch cho vùng khác chứ vùng này làm rác thì sạch thế nào được". Thật vậy, không chỉ bản thân những người làm nghề luôn trong trạng thái lấm lem những chất bẩn từ phế liệu mà môi trường sống của những người dân ở đây cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Nguy hại "rác từ rác"

Đất, nước thậm chí là không khí tại "thủ phủ phế liệu" này đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề từ hoạt động phân loại và tái chế rác thải. Theo lời người dân trong làng, trước đây khi chưa làm nhựa, người dân vẫn duy trì các hoạt động trồng trọt chăn nuôi nhưng từ khi làm nhựa thì đất và nước đều nhiễm chất bẩn.

Nước thải từ hoạt động rửa nhựa, nghiền nhựa được thải trực tiếp ra môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Một số người do e ngại việc nhiễm độc từ nguồn nước, đã chuyển sang dùng nước máy, thậm chí là cả nước mưa để làm nước sinh hoạt chính.

Những hộ gia đình nghiền nhựa, họ sẽ phải rửa sạch nhựa trước khi nghiền. Và liệu nước thải từ hoạt động rửa nhựa này sẽ được xử lý như thế nào? Câu trả lời là: "Xả thẳng ra sông, ra kênh thôi em…".

Bà Nguyễn Thị Ước (49 tuổi, nhân công phân loại, nghiền nhựa) cho biết: "Xử lý nước thải nữa thì lấy đâu ra tiền, tốn kém nên xả thẳng ra sông, ra kênh thôi. Mà cả làng người ta xả ra chứ có phải 1, 2 nhà đâu mà quản lý được". 

Con kênh Bắc Quảng Hoa là con kênh chứa nguồn nước thải trực tiếp từ các hộ gia đình nghiền nhựa. Và không chỉ có con kênh Bắc Quảng Hoa này mà những con kênh chạy dọc những ruộng lúa luôn trong tình trạng đen ngòm. 

Nhiều hộ gia đình ở đây đã chuyển hẳn sang làm nhựa mà không hoạt động trồng trọt hay chăn nuôi nữa, một phần do không có thời gian, phần còn lại là do nguồn nước, đất đã bị ô nhiễm, rất khó để canh tác. Bà M kể: "Ngày xưa, hồi chưa làm nhựa thì còn thấy những cánh đồng xanh ngát, nước kênh còn trong, chứ bây giờ thì nước kênh đen ngòm, ruộng đồng thì cũng chẳng trồng trọt gì nữa".

Thủ phủ phế liệu tại Hà Nội - Kỳ 2: Chấp nhận ô nhiễm - Ảnh 1.
Thủ phủ phế liệu tại Hà Nội - Kỳ 2: Chấp nhận ô nhiễm - Ảnh 2.

Con kênh chạy dọc đồng lúa vốn được sử dụng cho các hoạt động tưới tiêu nay lại trở nên đen ngòm, không thể sử dụng (Ảnh: Minh Toàn)

Trong khâu phân loại nhựa, nhiều hộ gia đình phải bóc bỏ nhãn mác để có thể bán cho những hộ nghiền nhựa khác. Câu hỏi đặt ra là: "Những nhãn mác đó rồi sẽ đi đâu, khi đã hết giá trị sử dụng?".

Một số khu vực đồng ruộng được tận dụng để chứa "rác từ phế liệu". Những nhãn mác bị bóc ra từ những chai nhựa được tập kết ở một khu vực ruộng lúa cũ. Và đây cũng là nơi chuyện tập kết "rác từ rác" và hiện tại cánh đồng này đang trong tình trạng không thể canh tác.

Thủ phủ phế liệu tại Hà Nội - Kỳ 2: Chấp nhận ô nhiễm - Ảnh 3.

Những “núi nhãn mác” tràn ra ngoài chờ ngày được đem đi xử lý (Ảnh: Minh Toàn)

Bà Ước cho biết: "Rác thì mình tập kết ra đấy, có công ty người ta đến người ta mang đi chứ có đốt đâu…". Tuy nhiên, đã xuất hiện một số trường hợp đốt trộm "rác từ phế liệu" gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở Xà Cầu này. Theo bà Nguyễn Thị Thung (65 tuổi), do rác quá nhiều, đến mức nhiều khu vực không đủ sức chứa nên một vài hộ gia đình quyết định đốt trộm, để tiết kiệm diện tích.

Tuy nhiên, điều này lại vô tình gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Những hộ làm nhựa cần có diện tích khá lớn để chứa nhựa vì vậy những hộ làm nhựa thường tập trung ở đầu làng. Khi đó, một số hộ "đốt trộm" rác thải sẽ dẫn đến việc cả làng phải chịu mùi khét lẹt trong một thời gian. Hành vi này là hành vi bị cấm tại Xà Cầu, vì vậy nhiều đối tượng đã đốt trộm vào khoảng thời gian ban đêm để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chứng năng.

Bà M cho biết: "Đêm đến, đóng kín cửa rồi, mùi khét lẹt vẫn chui vào nhà, có những đêm còn không thở nổi…thế nên là mất ngủ mai có đi làm được đâu". Không chỉ riêng bà M mà hầu hết những người dân ở đây để tỏ thái độ bất mãn với hành vi đốt trộm rác thải này.

Không chỉ riêng bà M, mà cô Nguyễn Thị Lan (bán tạp hoá) cách khu làm nhựa khoảng 1,5-2km cũng thường xuyên phải "chịu đựng" mùi khét lẹt này vì nhà "thuận chiều gió". Liệu "rác từ phế liệu" có đang trở thành nguy cơ gây bệnh cho những người dân ở đây hay không?

Ẩn họa khôn lường

Lẫn trong những đống nhựa mà bà M phải phân loại mỗi ngày là những kim tiêm y tế, còn nguyên máu, thậm chí có những chiếc đã bị mất nắp kim tiêm tiềm ẩn những nguy cơ mắc phải những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bà M cho biết: "Làm nghề thì tránh làm sao được, kim đâm vào thì bóp bỏ cái máu đó đi, lúc nào ra máu tươi là được. Bóp đi cho nó đỡ nhức rồi làm tiếp, chứ không làm thì lấy gì mà ăn…".

Với nhiều lần "vô tình" bị kim đâm vào tay nhưng không đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xét nghiệm, bà M đã vô tình làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xã hội nguy hiểm như HIV, viêm gan BC, viêm gan C… Nhưng đến nay bà M khi làm việc vẫn chỉ trang bị những chiếc găng tay bằng vải hết sức thô sơ vì suy nghĩ: "Hoạ hoằn lắm thì mới nắm vào thôi".

Thủ phủ phế liệu tại Hà Nội - Kỳ 2: Chấp nhận ô nhiễm - Ảnh 4.

Bà M cho biết: “Nhựa nào ở đây chả có, chuyện nắm phải kim tiêm là chuyện bình thường (Ảnh: Minh Toàn).

Khi được hỏi có sợ nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không? Bà M vui vẻ đáp: "Sống chết có số, trời thương thì cho sống chứ người tôi đầy bệnh, mấy chục năm nay rồi vẫn sống đấy thây, thêm bệnh thì thêm tiền thôi". Tâm lý chủ quan khiến cho nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Xà Cầu này ngày càng cao.

Có thể nói bà M đang đánh cược sức khoẻ thậm chí là cả sinh mạng của mình với tử thần để đổi lấy nguồn sống trị giá 1.000 đồng/1kg nhựa. U tuyến giáp, cột sống, đau lưng…và rất nhiều căn bệnh khác, không thể trở thành rào cản ngăn bà M lao động được. Bởi nếu không làm bà M sẽ không có tiền để mua thuốc và sẽ luôn phải sống cùng nỗi đau ấy.

Không chỉ riêng bà M mới chủ quan như vậy, mà hầu hết những người làm nghề nhựa ở đây đều như thế. Chị Nguyễn Thị Bích (24 tuổi) làm công việc chặt, chẻ nhựa đã nhiều lần gặp tai nạn nghề nghiệp như trượt dao băm vào tay, đứt tay…

Những con dao có chứa các hoá chất hoặc các chất bẩn không rõ nguồn gốc khi đang chặt những chai nhựa lại chặt vào tay nhưng không có dụng cụ bảo hộ cũng như các biện pháp sơ cứu kịp thời. Việc chị Bích làm chỉ là băng vết thương lại với mục đích cầm máu để có thể tiếp tục làm việc.

Ngoài ra, các chất bốc lên từ hoạt động đốt trộm nhãn mác, nylon, nhựa thừa cũng là một trong số những tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

Thủ phủ phế liệu tại Hà Nội - Kỳ 2: Chấp nhận ô nhiễm - Ảnh 5.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc trung tâm chống độc, bệnh viên Bạch Mai) cho biết: “Những bệnh nhân làm nghề tái chế, phân loại nhựa đến đây có người bị ung thư não, rối loạn chuyển hoá cũng có”.

Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc trung tâm chống độc, bệnh viên Bạch Mai) cho biết: "Bản thân các nhựa, nylon khi cháy nóng bốc hơi lên, phát sinh ra chất mới, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, từ nhiễm độc, mắc bệnh truyền nhiễm". 

Bác sỹ chia sẻ thêm trong quá trình làm việc đã gặp nhiều bệnh nhân nhiễm độc từ hoạt động tái chế nhựa, tái sử dụng các chất từ nhựa như nhiễm thiếc, nhiễm Asen, nhiễm chì… từ đó tiềm ẩn nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm.

Lạ thay, nguy cơ nhiễm bệnh hiển hiện ngay trước mắt như vậy nhưng những người dân ở đây vẫn vô cùng chủ quan. Bà Vui đùa cợt rằng: "Trời cho sống ngày nào thì hay ngày ấy chứ có gì mà phải lo".

Thủ phủ phế liệu tại Hà Nội - Kỳ 1: Nhựa là nguồn sống Thủ phủ phế liệu tại Hà Nội - Kỳ 1: Nhựa là nguồn sống

VTV.vn - Với nhiều người, rác thải nhựa chỉ là đồ bỏ đi nhưng với nhiều người dân thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) phế liệu lại là... tiền, là nguồn sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước