Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Trần Minh
Thông tin tại hội nghị ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức hôm qua (16/7), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tại một số địa phương số ca mắc COVID-19 tăng rất nhanh, con số tăng hết sức chóng mặt nhưng phản ánh đúng chúng ta đã tầm soát trong các khu phong tỏa, vùng nguy cơ cao, doanh nghiệp, ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có con số hết sức đáng lo ngại là phát hiện trong các khu cách ly, vùng phong tỏa.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã áp dụng rất thành công công tác dịch tễ đúng theo công thức phát "hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, thu dung điều trị" trong làn sóng trước và một số tỉnh khi số ca mắc còn tương đối ít. Có thể truy vết được từ một F0 ra 20-30 ca F1, có chuỗi lan ra mấy trăm người.
Tuy nhiên đến giờ dịch "nổ ra như đom đóm nổ khắp nơi" thì cần xem xét đến khả năng truy vết. Ví dụ tại TP Hồ Chí Minh, có khoảng 21.000 trường hợp F0, nhưng cũng chỉ thu dung được khoảng 42.000 F1 như thế là quá ít, không hoàn toàn phù hợp.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng việc điều trị bệnh nhân F0 vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại một số tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ F0 theo dõi có triệu chứng trở nặng tăng lên, gần như là một gánh nặng rất lớn cho ngành y tế.
Đặc biệt, một số tỉnh thành như tại Đồng Tháp, tỷ lệ bệnh nhân nặng đòi hỏi hỗ trợ thở ôxy, thở máy chức năng cao, ECMO ngày càng tăng. Số lượng máy thở tại một số địa phương vượt quá khả năng đáp ứng.
"Tỷ lệ tử vong hiện nay của cả nước là 0,55%, song tại TP. Hồ Chí Minh có khả năng tăng lên 0,6%, tỷ lệ này tại Đồng Tháp còn cao"- Thứ trưởng Sơn nói.
Vì thế, Thứ trưởng lưu ý những trường hợp bệnh nhân trở nặng bắt buộc sử dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ.
Cũng liên quan đến công tác điều trị PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, trên cơ sở phân tích hơn 9.400 bệnh nhân CVOID-19 trên tổng số hơn 32.000 bệnh nhân đang điều trị tại đợt dịch lần này, nhận thấy tỉ lệ bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ vẫn chiếm trên 80%; số ca thở oxy gọng kính chỉ chiếm 5,3%; thở máy không xâm nhập chiếm 0,17%; thở máy xâm nhập 1,3% và can thiệp ECMO là 0,2%.
Chỉ có 10-20% bệnh nhân từ trung bình diễn biến nặng. Tuy nhiên, do số lượng ca mắc mới hàng ngày đông nên con số này tăng nhanh. Vì vậy, các cơ sở y tế phải chuyển từ bị động sang chủ động.
Hiện Bộ Y tế đang đẩy mạnh năng lực của các bệnh viện vùng. Nguyên tắc điều trị hiện nay vẫn là 4 tại chỗ, phân tầng điều trị theo diễn biến bệnh để tránh quá tải.
Cụ thể, người bệnh không triệu chứng, mức độ nhẹ, điều trị tại các cơ sở điều trị ban đầu, bệnh viện dã chiến. Mức độ vừa đưa vào quận, huyện hoặc hoặc các khoa truyền nhiễm của bệnh viện tỉnh. Mức nặng, nguy kịch chuyển bệnh viện tỉnh, bệnh viện truyền nhiễm, trung tâm ICU. Ca bệnh quá khả năng, chuyển tuyến lên các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện chuyên khoa của Trung ương.
Bên trọng khu điều trị Bệnh nhân COVID-19 nặng ở Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh Ảnh: Hà Văn Đạo
"Các bệnh viện phải chú ý các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến tình hình oxy, máy thở... hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong. Tất cả các khu vực điều trị đều cần oxy, khu vực điều trị bệnh nhân nhẹ cũng phải chuẩn bị sẵn oxy phòng trường hợp bệnh nhân nhẹ nhưng có bệnh nền dễ chuyển nặng.
Các tỉnh bố trí tối thiểu ở bệnh viện hạng 2, hạng 3 phải có hệ thống oxy trung tâm để đảm bảo thở mặt nạ, thở oxy dòng cao" - PGS. Lương Ngọc Khuê lưu ý.
Theo Bộ Y tế, hiện tổng lượng oxy vẫn đảm bảo nhưng một số nơi phải tăng điều phối, xây dựng lại phương án. Một số địa phương có nguy cơ thiếu oxy nếu dịch xảy ra cục bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!