Cuộc sống mới sau khi di dời khỏi Thượng Thành
Sau rất nhiều cố gắng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã di dời được hàng nghìn người dân sinh sống tạm bợ trên di tích Thượng Thành - Eo Bầu thuộc Kinh thành Huế. Tại dải đất nằm trên vòng thành bao bọc kinh thành Huế, được xây đắp dưới thời vua Gia Long và hoàn thiện dưới thời vua Minh Mạng, trong năm nay, công tác đền bù, tổ chức cuộc sống cho các hộ dân di dời được xúc tiến mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Môt khu tái định cư rộng 73 ha đã được xây dựng với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng tại phường Hương Sơ và phường An Hòa. Người dân nay đã có cuộc sống ổn định, trẻ em có trường học sạch đẹp ở khu tái định cư mới.
Đời sống người dân Thượng Thành - Eo Bầu đang có những thay đổi theo hướng tích cực ở nơi định cư mới.
Là một trong những gia đình chấp hành chủ trương di dời sớm nhất, bà Mai Thị Ngọc Bích (phường Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đến khu tái định cư phường Hương Sơ vào năm 2020.
Vì di dời sớm nên theo quy định, bà Bích được chọn vị trí đất phù hợp để xây nhà và kinh doanh. Hiện nay đời sống của gia đình bà Bích đã ổn định, có nơi ở sạch đẹp, có nguồn thu nhập từ kinh doanh buôn bán nhỏ ngay tại khu tái định cư.
Khu tái định cư nằm ở phía Bắc thành phố Huế, cách Kinh thành Huế hơn 2km. Các tuyến đường ở khu tái định cư được quy hoạch rộng rãi, kiểu ô bàn cờ, thuận tiện cho người dân đi lại.
Chính quyền địa phương còn tạo điều kiện và tư vấn, tạo việc làm cho những trường hợp lao động chưa có việc làm. Sau hơn 3 năm tái định cư tại nơi ở mới, phần lớn các hộ gia đình đã có cuộc sống ổn định.
Một trong những niềm vui lớn nhất của bà con chính là ngôi Trường mầm non Hoàng Mai được xây dựng dành cho con em người dân định cư ở Hương Sơ. Ngôi trường khang trang với nhiều trang thiết bị dạy học và vui chơi dành cho các cháu. Không gian rộng rãi, sạch đẹp giúp cho trẻ em ở khu định cư vui vẻ đến trường mỗi ngày và bố mẹ cũng yên tâm làm việc.
Thêm những ngôi nhà mới đang được xây dựng hoàn thiện chuẩn bị đưa vào sử dụng tại khu tái định cư Hương Sơ và An Hòa, thành phố Huế. Hơn 2.000 hộ dân đã chuyển về sinh sống ổn định ở khu tái định cư.
Trên những mảnh đất phân lô 60 - 100 m2 cùng số tiền đền bù, người dân đã xây dựng nhà cửa khang trang. Nhiều không gian công viên cây xanh cũng được đầu tư, tạo môi trường sống trong lành, văn minh cho người dân. Có thể thấy đời sống người dân Thượng Thành - Eo Bầu đang có những thay đổi theo hướng tích cực ở nơi định cư mới.
Thay đổi thời gian di dời khỏi Thượng Thành
Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1- hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được phê duyệt từ năm 2018. Theo đó, phân kỳ thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng thành 2 đợt, kết thúc vào năm 2025. Nhưng hiện đã có sự thay đổi về thời gian.
Để đẩy nhanh tiến độ di dời dân cư, giải phóng mặt bằng, sớm ổn định cuộc sống cho người dân, tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh các khu vực thuộc đợt 2. Theo đó, thực hiện toàn bộ trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết năm nay là xong.
Dự án giai đoạn 1 đã triển khai thực hiện tại 11 khu vực với tổng số hơn 5.000 hộ. Tổng kinh phí đã phê duyệt: hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, đã chi trả hơn 1.300 tỷ đồng. Số còn lại đang tiếp tục chi trả. Trong hơn 2.700 lô đất tái định cư đã phê duyệt, chỉ còn lại hơn 160 lô chưa được nhận.
Trong quá trình thực hiện, Chính phủ đã quan tâm, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, áp dụng khung chính sách, giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án.
Cần chỉnh trang cảnh quan di tích Thượng Thành - Eo Bầu
Hàng nghìn hộ dân của dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đã an cư ở nơi mới. Nhưng nơi cũ là khu di tích Thượng thành vẫn chưa được chỉnh trang, trở nên nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan.
Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa được khắc phục được. Đặc biệt, một số hộ gia đình đến thời điểm này chưa chịu di dời vì nhiều lý do, tạo nên cảnh sống tạm bợ.
Một số hộ gia đình chưa chịu di dời vì nhiều lý do, tạo nên cảnh sống tạm bợ.
Một số hộ gia đình thuộc khu vực di tích Thượng Thành - Eo Bầu hiện nay vẫn chưa chịu di dời vì thấy chưa thỏa đáng, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình và vì nhiều lý do khác nên họ vẫn ở lại đây đến thời điểm này mặc dù xung quanh đã di dời đi hết.
Bà Đặng Thị Hải (phường Thuận Lộc, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) năm nay đã hơn 70 tuổi những vẫn hàng ngày đi lượm ve chai về bán, nhà cửa xuống cấp bà cũng muốn định cư nơi ở mới nhưng gia đình vẫn chưa thống nhất ý kiến.
Với những khu vực người dân đã tiến hành di dời, trả mặt bằng từ cách đây hơn 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa được dọn dẹp, chỉnh trang, nhiều ngôi nhà phá dỡ ngổn ngang, cỏ cây mọc um tùm và ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, có một vài điểm đã trở thành nơi tập trung của những người nghiện ngập chích hút vào buổi đêm, làm ảnh hưởng và gây nguy hiểm đến cuộc sống của người dân sống quanh khu vực này.
Khu vực Thượng Thành trải dài trên khu vực của 4 phường nội thành với diện tích khoảng 16,5 ha, hiện nay thành phố Huế đang tiến hành dọn dẹp mặt bằng, trùng tu bảo tồn di tích để khai thác làm các tuyến đường đi bộ, tham quan cho người dân và du khách.
Trên thực tế, có một số đoạn ở khu vực Thượng Thành, chính quyền địa phương đã nỗ lực và huy động các lực lượng làm vệ sinh, tạo cảnh quanh sạch và thoáng. Tuy nhiên, việc làm này chưa được tiến hành thường xuyên và triệt để nên nhìn tổng quan khu vực Thượng Thành - Eo Bầu thời điểm này còn rất nhếch nhác.
Rất mong chính quyền địa phương quyết liệt hơn trong công tác chỉnh trang để trả lại vẻ đẹp của Thượng Thành đúng như tiêu chí của cuộc di dời dân lịch sử này.
Sẽ chỉ còn 2 năm để công tác di dời, tôn tạo di tích Thượng Thành - Eo Bầu thuộc Kinh thành Huế phải hoàn thành. Hi vọng số dân còn chưa giải phóng mặt bằng sẽ hợp tác cùng đơn vị thi công để sớm tạo nên diện mạo khang trang cho di tích này, trở thành điểm đến cho du khách khi khám phá Kinh thành Huế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!