Tiền mừng cưới bao nhiêu là hợp lý?

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 30/10/2024 12:42 GMT+7

VTV.vn - Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa cưới là nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, đã quen nhưng chưa bao giờ cũ lại được lôi ra bàn luận trên mạng xã hội.

Đau đầu khi cầm trên tay thiệp mời cười

Câu hỏi trong đầu của nhiều người nhận sau khi cầm trên tay chiếc thiệp mời là: "Giờ thì mừng cưới bao nhiêu là hợp lý nhỉ?".

Đọc qua các dòng tít báo gần đây về chủ đề này là có thể cảm nhận được tình huống đau đầu của nhiều khổ chủ: "Chóng mặt mua vàng trả nợ quà cưới"; "Chết lặng khi bóc phong bì mừng cưới của bạn thân"; "Áp lực trả nợ từ thiệp mời cưới in mã QR"… Đây là một chủ đề đau đầu, đặc biệt là khi tần suất những tấm thiệp mời cưới xuất hiện dày đặc hơn trong mùa cưới.

Tiền mừng cưới bao nhiêu là hợp lý? - Ảnh 1.

Tiền mừng thực ra là chủ đề tế nhị, phụ thuộc nhiều biến số, trong đó có biến số rất cá nhân đó là tình cảm, quan hệ trong quá khứ và thậm chí là cả tương lai của những người trong cuộc. Nhưng tựu chung lại, chẳng ai muốn bỏ ra quá ít tiền mừng để rồi thất thố với gia chủ, nhưng cũng chẳng ai muốn tự tạo gánh nặng tài chính cho bản thân.

Trên trang Fanpage của VTV24 và Chuyển động 24h đã làm cuộc khảo sát với câu hỏi "Bạn xác định số tiền mừng đám cưới dựa vào điều gì?"

Tiền mừng cưới bao nhiêu là hợp lý? - Ảnh 2.

Khoảng 80% lựa chọn theo phương án: Hòa mình với đám đông, hỏi mọi người xung quanh, họ mừng bao nhiêu - ta mừng bấy nhiêu.

20% còn lại gần như chia đều cho 2 cách: Tính nhanh theo giá trung bình theo đầu người của 1 mâm cỗ tại đám cưới ấy và một cách nào đó khác.

Lựa chọn theo số đông dường như cũng nói lên một điều rằng, chúng ta không muốn cô dâu - chú rể có cái nhìn khác về mình khi mức tiền bỏ vào phong bì của chúng ta không giống mọi người. Dù là tính cách nào thì với nhiều người trẻ, trong giai đoạn mùa cưới này, một kỹ năng không thể thiếu và đang có cơ hội được rèn luyện thực chiến nhiều hơn chính là quản lý chi tiêu.

Tiền mừng cưới - gánh nặng kinh tế với nhiều người

Nhận 3 thiệp cưới trong vòng một tháng, trong khi là sinh viên vừa đi học, vừa đi làm, thu nhập cũng chẳng có nhiều, chị Lan Anh (Hà Nội) phải cân đối giảm bớt chi tiêu, nhận thêm việc để làm và thậm chí nhờ đến sự hỗ trợ của người thân để lo "tiền mừng cưới".

"Mình có 3 đám cưới đang chờ nên xin tiền mẹ là chắc chắn. Mới ra trường thu nhập không đủ đáp ứng nhất thời điểm cuối năm" – chị Lan Anh cho biết.

Là con gái nên mỗi lần đi ăn cưới, có lẽ không chỉ là "tiền mừng cưới bao nhiêu" mà đi kèm theo đó là nhiều khoản chi khác. Tiếc thì có tiếc nhưng vẫn phải có đồ mới để đi ăn cưới mới được.

Tham dự đám cưới của bạn bè hay người thân luôn là niềm vui, nhưng có vui thì cũng có lo khi "tiền mừng cưới" lại là gánh nặng kinh tế với nhiều người.

Ngày cưới là ngày vui, quan khách đến là để sự vui ấy được trọn vẹn. Vậy nên nếu cứ để chuyện tiền mừng này tồn tại như một gánh nặng âm thầm thì e là không đáng chút nào.

Khi một đám cưới được tổ chức, những người được mời cưới đương nhiên là ở thế bị động, người chủ động đi mời mới là những người có thế có hành động đầu tiên loại bỏ thế khó xử nếu có này. Còn chủ động thế nào thi cách làm sau đây có thể là một ví dụ ấn tượng.

Tiền mừng cưới bao nhiêu là hợp lý? - Ảnh 3.

Tấm thiệp mời cưới bên trong có kẹp tờ 500.000 đồng

Mới đây, trên MXH lan truyền bức ảnh tấm thiệp mời cưới bên trong có kẹp tờ 500.000 đồng. Bức ảnh được cho là của một người mới đi làm được vài ngày thì văn phòng mới có đồng nghiệp tổ chức đám cưới. Người đồng nghiệp này đã tâm lý gửi tấm thiệp như trong hình.

Quả là một cách xử lý 10 điểm không có nhưng, đúng với tinh thần chúng ta hay nhìn thấy trên mỗi tấm thiệp "sự hiện diện của bạn là niềm hạnh phúc của tôi" theo đúng nghĩa đen.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước